Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi): Khắc phục chồng chéo trong giám sát tại địa phương, cơ sở
Các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi) đã phân định rõ thẩm quyền, phạm vi, đối tượng giám sát của HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp xã. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 27 - NQ/TW về tăng cường phân quyền, phân cấp, vừa góp phần khắc phục thực trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp trong hoạt động giám sát tại các địa phương.
Phân hóa trách nhiệm, định hướng giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Tại Hội nghị "Một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi) - các quy định về giám sát của HĐND", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công cho biết, dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi) đã phân định rõ thẩm quyền phạm vi, đối tượng giám sát của HĐND cấp tỉnh (chủ yếu ở cấp tỉnh), HĐND cấp xã (chỉ ở cấp xã). Từ đó, phân hóa trách nhiệm và định hướng hoạt động giám sát của các chủ thể có trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Dự thảo Luật quy định thẩm quyền giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND theo cấp tỉnh theo hướng: thường xuyên, chủ yếu tập trung giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở cấp tỉnh và UBND đặc khu nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương. Khi xét thấy cần thiết, HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh mới tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở cấp xã.
Đồng thời, quy định thẩm quyền giám sát của HĐND cấp xã đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở cấp xã. Sửa đổi quy định về thẩm quyền giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp xã chỉ khi có phân công của HĐND hoặc Thường trực HĐND.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Vĩnh Long) đánh giá cao việc phân định rõ thẩm quyền, phạm vi, đối tượng giám sát của HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp xã. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 27 - NQ/TW về tăng cường phân quyền, phân cấp, vừa góp phần khắc phục thực trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp trong hoạt động giám sát tại các địa phương.
“Thời gian qua, nhiều cuộc giám sát đã diễn ra ở cả hai cấp HĐND đối với cùng một nội dung hoặc đối tượng, vừa gây áp lực cho cơ quan chịu sự giám sát, vừa làm giảm hiệu quả, tính trọng tâm, trọng điểm của hoạt động giám sát”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu thực tế.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và thống nhất, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn tiêu chí xác định trường hợp “khi xét thấy cần thiết” mà HĐND cấp tỉnh có thể giám sát cơ quan cấp xã. Tiêu chí này nên được quy định cụ thể tại một điều khoản hoặc hướng dẫn kèm theo để tránh tùy nghi áp dụng. Đơn cử như, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dư luận bức xúc hoặc có nội dung tác động lớn đến chính sách cấp tỉnh.
Đối với quy định thẩm quyền giám sát của Tổ đại biểu HĐND chỉ khi có phân công của HĐND hoặc Thường trực HĐND, đây là điểm tiến bộ so với luật hiện hành. Khẳng định điều này, đại biểu cho rằng, quy định này sẽ giúp bảo đảm tính điều phối tập trung, tránh tình trạng Tổ đại biểu tự phát triển kế hoạch giám sát không gắn với chương trình chung, "làm khó" cho cơ quan chịu sự giám sát, dễ dẫn đến phân tán nguồn lực.
HĐND cấp tỉnh có giám sát cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh?
Cho rằng, không nên quy định HĐND giám sát Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, TS. Nguyễn Hải Long nêu quan điểm, giám sát đối với các cơ quan trên sẽ kém hiệu lực, hiệu quả, vì HĐND không có quyền áp dụng hình thức xử lý sau giám sát đối với các cơ quan này.
Nhấn mạnh việc dự thảo Luật quy định, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân là phù hợp, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ cho biết, theo tinh thần của Hiến pháp thì Tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp dưới) là đối tượng chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội và HĐND).

Điểm đ, khoản 2, Điều 80 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo công tác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh với HĐND cấp tỉnh và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; trả lời chất vấn, kiến nghị của đại biểu HĐND cấp tỉnh.
“Nếu còn băn khoăn thì nên bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật đó là, sau giám sát có thể xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Mai Bộ đề xuất.
HĐND cấp tỉnh giám sát Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Vì thế, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, về nguyên tắc giám sát của HĐND là giám sát việc tuân thủ pháp luật và thực thi Nghị quyết HĐND trên địa bàn. Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp có tính độc lập trong hoạt động xét xử, kiểm sát, thi hành án nên HĐND không có thẩm quyền quyết định hoặc xử lý sau giám sát. Nếu duy trì quy định này, đại biểu đề nghị, cần làm rõ phạm vi giám sát chỉ giới hạn ở phương tiện tuân thủ pháp luật và trách nhiệm giải trình trước nhân dân, tuyệt đối không can thiệp hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, cần bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tư pháp trong việc cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình.
Trong trường hợp không xác định được cơ chế tiếp nhận, phản hồi, xử lý sau giám sát, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị không quy định thẩm quyền giám sát trực tiếp đối với Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan thi hành án mà chỉ quy định trách nhiệm báo cáo công tác trước HĐND và HĐND thực hiện quyền đánh giá, kiến nghị chung nhằm tránh xung đột thẩm quyền hiến định và bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử.
Khẳng định các ý kiến tại Hội nghị có giá trị khoa học và thực tiễn cao, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương Phương nêu rõ, các ý kiến của các đại biểu sẽ được tiếp thu và giải trình đầy đủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật tiếp tục làm rõ các vấn đề, như khi không tổ chức HĐND cấp huyện thì trong hoạt động giám sát, nội dung nào chuyển về HĐND xã, nội dung nào về HĐND tỉnh? Về phương thức giám sát phải phù hợp, khoa học, tiết kiệm chi phí và nhân lực. Làm rõ việc thực hiện phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp giữa các cơ quan dân cử như thế nào? Phối hợp giữa chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát ra sao?