Dự phòng ngân sách 2 - 5% có bảo đảm hiệu quả không?
Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) nâng dự phòng ngân sách từ 2-5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, tăng thêm 1% so với trước đây. Việc tăng dự phòng ngân là phù hợp nhưng Chính phủ cần đánh giá thêm nếu với mức đến 5% có bảo đảm hiệu quả không.

Đó là ý kiến được ĐBQH nêu tại phiên thảo luận Tổ 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) chiều 17/5.
Các ĐBQH thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để thể chế hoá kịp thời các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, phân bổ hợp lý nguồn lực; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.
Đảm bảo tỷ lệ ngân sách cho giáo dục

Tham gia góp ý cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho biết, tại khoản 12 về nguyên tắc quản lý Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự thảo Luật bổ sung quy định về quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW và xây dựng chính sách, pháp luật theo Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đại biểu nhất trí với dự thảo Luật bổ sung quy định này, nhưng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng các nguyên tắc của Luật Ngân sách nhà nước.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 19. Dự thảo Luật quy định: về quyết định dự toán ngân sách nhà nước (điểm b khoản 4 Điều 19): bỏ quy định mức bố trí kinh phí cụ thể cho các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo và dạy nghề; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Về phân bổ ngân sách trung ương (điểm a, b khoản 5 Điều 19): không quy định thẩm quyền Quốc hội quyết định tổng chi ngân sách trung ương, của từng bộ, cơ quan trung ương theo lĩnh vực.
Đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành. Đặc biệt là việc quy định trong Luật mức chi đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là để bảo đảm nguyên tắc Luật thể chế hóa các quy định tại các Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Việc quyết định mức chi trong dự toán sẽ là căn cứ, cơ sở pháp lý trong việc đánh giá kết quả thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành Nghị quyết của Trung ương.
Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chí làm rõ và công khai nguyên tắc, tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư hằng năm cho lĩnh vực giáo dục đào tạo để đảm bảo tỷ lệ ngân sách cho giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội.
Liên quan đến Điều 63 về xử lý thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung mở rộng các nhiệm vụ chi được chuyển nguồn sang ngân sách năm sau. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cơ bản nhất trí nhưng đề nghị bổ sung kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách của người học vào danh mục kinh phí được chuyển số dư sang năm sau để tiếp tục thực hiện đúng mục tiêu là thực hiện các chế độ, chính sách của người học.
Cùng với đó, cần tăng cường việc quyết toán ngân sách theo sản phẩm, kết quả đầu ra để giảm tải hồ sơ, quy trình, thủ tục thanh toán. Hiện dự thảo Luật chỉ quy định “nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội” (tại điểm d khoản 3 Điều 63) là chưa cụ thể, có thể gây ra cách hiểu không thống nhất về nguồn kinh phí được chuyển số dư trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cần thiết kế điều riêng về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Theo ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ), tại khoản 22 Điều 4 có quy định về số bổ sung có mục tiêu, số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để hỗ trợ thực hiện các chương trình dự án, nhiệm vụ cụ thể. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn bổ sung có mục tiêu ở đây như thế nào, tránh trường hợp bổ sung tràn lan.

Luật hiện hành hay dự thảo Luật cũng có quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND. Trong thực tiễn, có nhiều vấn đề cần Thường trực HĐND quyết định, nhưng thời gian qua khi đưa ra một số Luật thẩm quyền là của HĐND chứ không phải Thường trực HĐND. Do đó, đại biểu đề nghị thống nhất giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND trong một số trường hợp trong Luật này, nhưng cần rà soát lại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công để bảo đảm thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc quyết định điều chỉnh một số nội dung về ngân sách nhà nước.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc nhắc, xem xét thêm quy định quy định về nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước. Cụ thể, Luật hiện hành quy định “tiết kiệm chi” còn dự thảo Luật sửa thành “dự toán chi” còn lại của ngân sách các cấp.
Liên quan đến quy định sử dụng dự phòng, dự thảo Luật sửa quy định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nghiêm trọng và một số nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác.
Đại biểu cho rằng, về nguyên tắc, nếu quy định như vậy cũng phù hợp nhưng nếu nói nhiệm vụ quan trọng và cấp bách khác thì rất khó phân định. Do đó nên bổ sung là theo quy định của Chính phủ một số trường hợp nào thì được sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng nâng dự phòng ngân sách từ 2-5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, tăng thêm 1% so với trước đây. Việc tăng dự phòng ngân là phù hợp nhưng đại biểu Vũ Tuấn Anh đề nghị, Chính phủ cần đánh giá thêm nếu với mức đến 5% có bảo đảm hiệu quả được không.

Cơ bản nhất trí với ý kiến của các đại biểu và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần thiết kế một điều riêng về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để phù hợp với giải thích từ ngữ.
Đối với quy định ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng chính sách pháp luật…, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất có thêm cụm từ về quốc phòng an ninh.