Dự luật mới sẽ sớm được đưa vào chương trình nghị sự của Hạ viện, bao gồm những nội dung nổi bật như sau:
Trao quyền cho địa phương: Dự luật “cho phép cộng đồng địa phương quyết định xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng như thế nào chứ không chỉ quyết định liệu nhà ở và cơ sở hạ tầng có được xây dựng hay không”.
Thủ tướng Keir Starmer đã nhiều lần hứa rằng Chính phủ sẽ "thúc đẩy chứ không cản trở" quyền của địa phương, sẵn sàng giải quyết khúc mắc của người biểu tình địa phương để thực hiện các dự án xây dựng quan trọng; cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng với mục tiêu xây dựng 1,5 triệu ngôi nhà mới trong nhiệm kỳ này.
Đơn giản hóa quy trình cấp phép: Dự luật sẽ đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, giảm bớt các rào cản quan liêu - một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc phê duyệt dự án bị trì hoãn.
Chính phủ lưu ý rằng chỉ có 9% các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tới 70% các đơn xin cấp phép xây dựng và thời gian này kéo dài 8 tuần. “Dự luật mới sẽ chấm dứt tình trạng này, trao quyền cho địa phương và đẩy nhanh quá trình ra quyết định”.
Sửa đổi quy định về cưỡng chế thu hồi đất: Dự luật sẽ đưa ra những sửa đổi liên quan đến Lệnh mua bắt buộc (CPO) - được hiểu là lệnh cưỡng chế thu hồi đất, cho phép một số cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu. CPO có thể được áp dụng nhằm phục vụ một dự án phát triển vì lợi ích công cộng. Dự luật sẽ trao quyền mới cho các cơ quan công như Homes England, các công ty phát triển địa phương hoặc hội đồng để sử dụng CPO nhằm mua đất mà không cần sự cho phép của bộ trưởng. Đạo luật Giải phóng mặt bằng và tái thiết năm 2023 quy định, những cơ quan này chỉ có thể làm điều này khi được sự đồng ý của cấp trên.
Cải cách quy tắc đền bù để bảo đảm quyền lợi cho chủ đất: Dự luật cũng sẽ cải cách các quy tắc đền bù đối với những chủ đất bị áp dụng CPO. Chính phủ Bảo thủ trước đây đã ban hành luật cho phép áp dụng CPO để xây nhà ở xã hội, cơ sở hạ tầng giáo dục hoặc y tế mà không phải trả phí đền bù dựa trên “giá trị triển vọng”, theo đó bất động sản được định giá trên cơ sở tính đến triển vọng phát triển trong tương lai. Theo quy định mới, “giá trị triển vọng” sẽ được tính đến trong phí đền bù để bảo đảm hoạt động đền bù “công bằng nhưng không quá mức”; đồng thời cân bằng giữa nhu cầu phát triển với quyền lợi của chủ sở hữu.
Hiện đại hóa các cơ quan quy hoạch:Dự luật cũng đưa ra biện pháp nhằm “tăng cường năng lực của các cơ quan quy hoạch hội đồng thành phố”. Trước mắt, Chính phủ cam kết sẽ tuyển thêm 300 nhân sự trong lĩnh vực này cho chính quyền địa phương.
Quy hoạch trên cơ sở bảo vệ môi trường: Với dự luật mới, Chính phủ cũng cam kết sẽ tận dụng các dự án phát triển để tài trợ cho các sáng kiến phục hồi thiên nhiên, qua đó giúp cân bằng giữa việc bảo tồn môi trường với nhu cầu phát triển.
Dự luật Quy hoạch và Cơ sở hạ tầng cùng với những nỗ lực trước đó thể hiện một bước đi táo bạo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở và nhu cầu cơ sở hạ tầng của Vương quốc Anh. Các chuyên gia bất động sản cho rằng: “Cam kết của Công đảng trong việc cải cách hệ thống quy hoạch và xây dựng đất nước đã mang lại niềm tin vào ngành nhà ở mà chúng ta chưa từng thấy trong thời gian qua”.
Với gói giải pháp tổng thể được điều chỉnh bằng nhiều luật cùng cách tiếp cận đa hướng, Chính phủ kỳ vọng sẽ nhanh chóng bù đắp tình trạng thiếu hụt nhà ở, ổn định thị trường nhà đất, giúp các thế hệ tương lai có thể tiếp cận nhà ở với giá cả phải chăng.