Dữ liệu mở để giải quyết thách thức toàn cầu

- Thứ Tư, 17/11/2021, 05:38 - Chia sẻ
Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Ngày nay, nhân loại đang chứng kiến sự phát triển hết sức mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Những thành tựu của khoa học và công nghệ được ứng dụng sâu rộng trong mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Đồng thời, nhân loại cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như đại dịch Covid-19, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu... Công nghệ số, với vai trò trung tâm là dữ liệu số có đóng góp đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững, giúp chúng ta có thể vượt qua các thách thức này.

Dữ liệu giúp quản lý dịch bệnh, hỗ trợ chương trình tiêm chủng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân hiệu quả hơn. Dữ liệu số của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, về kết quả giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2; dữ liệu về các bước thử nghiệm các ứng tuyển vaccine phòng Covid-19 được chia sẻ đã giúp chúng ta nhanh chóng có được vaccine thích hợp để tiêm chủng, hạn chế tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.

Dữ liệu đã hỗ trợ hết sức hiệu quả đối với nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân trong những thời điểm phong tỏa khó khăn nhất.

Dữ liệu cũng đã giúp các quốc gia, cộng đồng quốc tế dự báo ngày càng chính xác, ứng phó kịp thời các hiện tượng biến đổi cực đoan của khí hậu, phát thải khí nhà kính, ấm nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, xâm nhập mặn…

Những thí dụ thực tiễn nói trên làm cho chúng ta tin tưởng rằng, đầu tư cho xây dựng dữ liệu số, chia sẻ, khai thác, làm giàu dữ liệu số là đóng góp quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, từng bước hóa giải những thách thức mang tính toàn cầu mà chúng ta đang đối mặt.

Trong tương lai, hầu hết các giá trị được tạo bởi dữ liệu. Trong xu hướng mở, dữ liệu mở có một số đặc trưng đáng lưu ý như công khai, được sử dụng lại, không độc quyền. Điều đó đồng nghĩa với việc cộng đồng đông đảo có thể sử dụng, khai thác dữ liệu theo giấy phép mở; chính cộng đồng lại tiếp tục làm gia tăng giá trị của dữ liệu và theo đó dữ liệu tiếp tục được mở, tiếp tục phát huy giá trị trong quá trình đổi mới sáng tạo hầu như không có giới hạn.

Châu Á có quy mô dân số lớn nhất, với lực lượng lao động trẻ đông đảo nhất, năng động, cần đi đầu trong sáng tạo, đổi mới công nghệ, xây dựng, chia sẻ dữ liệu để vừa xây dựng các quốc gia châu Á ngày càng thịnh vượng, đồng thời góp phần giải quyết các thách thức chung của toàn thế giới. Sứ mệnh lớn lao sẽ bắt đầu từ những hành động thực tế, thiết thực ở mỗi quốc gia và sự tăng cường hợp tác đa bên. Khu vực nhà nước ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tạo lập và đang sở hữu “tài nguyên” dữ liệu số khổng lồ, nhưng “mỏ dầu” mới có tạo ra thịnh vượng và phát triển hay không lại phụ thuộc vào cách thức hợp tác giữa Nhà nước với khu vực tư nhân.

Trong bối cảnh như vậy, rất cần có những thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị các giải pháp; trong đó có giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến dữ liệu thông qua hợp tác đa phương, hợp tác theo phương thức đối tác công - tư trong hoạt động số hóa, xây dựng hạ tầng khai thác, chuẩn hóa, cấp phép mở, bảo mật… để xây dựng, sẻ chia, khai thác, sử dụng, phát triển dữ liệu sao cho hiệu quả nhất.

Quốc hội Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã và đang hết sức nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trước mắt là góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là pháp luật có liên quan đến chuyển đổi số nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.