Du lịch Yên Bái - Định vị thương hiệu điểm đến trên hành trình khám phá Tây Bắc

Thời cơ “vàng” để du lịch bứt phá

Nằm ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc, Yên Bái sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đồng thời, là nơi hội tụ mạch nguồn văn hóa lịch sử thiêng liêng, cùng với các lễ hội truyền thống độc đáo… Đây được coi là “mỏ vàng lộ thiên” để Yên Bái hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dần trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá Tây Bắc.

Nâng vị thế các điểm du lịch lên tầm cao mới

Cách Hà Nội khoảng 140km, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Đến nơi được mệnh danh là “viên ngọc xanh” giữa núi rừng Tây Bắc, "Vịnh Hạ Long trên núi" mới cảm nhận rõ sự hùng vĩ của bức tranh thủy mặc nơi đây. Hồ trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên được hình thành khi ngăn sông đắp đập chặn dòng sông Chảy để xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nhà máy thủy điện đầu tiên của miền Bắc thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa.

Với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ cùng hệ thống hang động sâu trong lòng những dãy núi, không chỉ có cảnh đẹp của một vùng sơn thủy hữu tình, hồ Thác Bà còn là một địa chỉ du lịch nổi tiếng với hơn 330 di sản văn hóa vật thể, bản sắc văn hóa đậm đà của cộng đồng người Tày, Nùng, Cao Lan, Dao (quần trắng).

Ngày 10.5.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Đây được cho là thời cơ “vàng” đối với du lịch địa phương. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình An Hoàng Linh phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040. Đây là cơ hội tốt để nâng vị thế và giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà lên tầm cao mới, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần, chủ trương phát triển kinh tế xã hội "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.

Không chỉ sở hữu "Vịnh Hạ Long trên núi", Yên Bái sở hữu nhiều điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất nước ta như Mù Cang Chải với những ruộng bậc thang ôm viền chân núi - một kiệt tác nghệ thuật đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2007. Khau Phạ là một trong những đèo dài nhất nước, nơi đây đã trở thành điểm bay hấp dẫn của môn thể thao dù lượn. Hay Háng Tề Chơ là tên con thác huyền thoại của miền Tây Bắc, thuộc xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu. Đây được coi là “trọng điểm” du lịch mạo hiểm vùng Tây Bắc được du khách trong nước, quốc tế đánh giá đẹp nhất trên thế giới.

Phát triển xanh, bản sắc, hấp dẫn

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 định hướng phát triển du lịch Yên Bái trong thời gian tới là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình cho biết để thực hiện được mục tiêu của Đại hội, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện và đồng bộ nhằm phát triển du lịch, từ hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đến xúc tiến đầu tư, quảng bá; nhất là hỗ trợ khai thác thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên kết hợp với văn hóa của người dân bản địa để hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết 28 ngày 24.2.2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.

Hồ Thác Bà - viên ngọc quý của vùng Tây Bắc Việt Nam được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Hồ Thác Bà - viên ngọc quý của vùng Tây Bắc Việt Nam được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Ảnh: Thanh Chi

Hàng năm Yên Bái hỗ trợ các địa phương duy trì tổ chức trên 40 lễ hội truyền thống. Hỗ trợ thành lập, duy trì hoạt động của hơn 200 đội văn nghệ quần chúng tại các thôn, bản và duy trì, phát triển 26 làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch...

Có thể nói bức tranh du lịch của tỉnh Yên Bái ngày càng đa sắc màu, có sức hút đặc biệt với các du khách, nhất là du khách quốc tế. Tuy nhiên, để ngành du lịch của tỉnh mang trọn vẹn được thông điệp “ xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc”, về lâu dài, ngành công nghiệp không khói của tỉnh vẫn cần những giải pháp dài hơi và đồng bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết, bên cạnh thực hiện tốt những chính sách hỗ trợ đã có, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng du lịch; thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tầm cỡ “có tâm và có tầm”. Cùng với đó là bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; chú trọng hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, trong đó du lịch được xác định mục tiêu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng, sản phẩm du lịch chất lượng cao. Mục tiêu, đưa du lịch Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Bắc với thương hiệu “điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.

Từ kim chỉ nam đó, đường đi bền vững của ngành công nghiệp không khói địa phương được định hình rõ nét, tỉnh đã và đang xây dựng hình thành 4 vùng du lịch trọng điểm. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm tạo điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc với 5 dòng sản phẩm du lịch chính, như: Du lịch sinh thái khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái vùng hồ Thác Bà; du lịch trải nghiệm sinh thái nước khoáng nóng Trạm Tấu; du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Thái, Mông; du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”...

Những tiềm năng sẵn có, cũng như xác định rõ lộ trình phát triển, chắc chắn ngành công nghiệp không khói tỉnh Yên Bái sẽ định vị được thương hiệu du lịch của mình trên bản đồ du lịch cả nước - điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình khám phá Tây Bắc.

Du lịch - Thể thao

Nhìn lại “đảo ngọc” sau một thập kỷ, điều gì góp phần tạo nên kỳ tích?
Du lịch - Thể thao

Nhìn lại “đảo ngọc” sau một thập kỷ, điều gì góp phần tạo nên kỳ tích?

Nhằm thực hiện quy hoạch phát triển theo phê duyệt của Chính phủ, ngoài sự quyết liệt của hệ thống chính quyền thành phố, Phú Quốc còn có một lợi thế đặc biệt để sớm trở thành đô thị biển đảo, trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, đó là thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực và có tầm nhìn.

Một bức tranh tại triển lãm 3D "Côn Đảo - Bản hùng ca giữa trùng khơi"
Văn hóa - Thể thao

Côn Đảo - Bản hùng ca giữa trùng khơi

Đây là chủ đề triển lãm 3D do Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo, Sở Văn hóa và Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tuần lễ Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2024: 1.000 phòng nghỉ miễn phí và nhiều hoạt động hấp dẫn
Văn hóa - Thể thao

Tuần lễ Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2024: 1.000 phòng nghỉ miễn phí và nhiều hoạt động hấp dẫn

Từ ngày 27 đến 29.12.2024, Tuần lễ Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ diễn ra tại TP. Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần kích cầu du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.