Nghề đan lát - dấu ấn văn hóa Cơ Tu

- Thứ Sáu, 18/11/2022, 17:21 - Chia sẻ

Nghề đan lát mây tre đã có từ lâu đời và là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu tại Quảng Nam. Đến nay, nghề thủ công truyền thống này không chỉ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà còn góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào.

Phong phú các sản phẩm đan lát

Cuộc sống của người Cơ Tu gắn liền với đại ngàn Trường Sơn, xứ sở của biết bao nguyên liệu mây, tre, lá. Không ai biết nghề đan lát ở đây có từ bao giờ, chỉ biết, những chàng trai khi đến tuổi trưởng thành, ai cũng biết đi rừng hay xuống suối bắt cá, bàn tay nào cũng biết đan gùi, đan giỏ. Biết bao mùa rẫy đi qua, bao lần cây rừng Trường Sơn thay lá... nhưng người Cơ Tu vẫn thường gắn bó với những vật dụng đan lát từ mây tre.

Nói đến sản phẩm đan lát phải kể tới gùi, vật dụng gắn chặt với cuộc sống thường nhật của đồng bào, từ lao động đến tín ngưỡng, tâm linh. Các cụ cao tuổi cho biết có nhiều loại gùi, mỗi loại lại có công dụng riêng như gùi dùng để đựng lúa (h’đooh, ưl đool), gùi để đựng rau củ quả (pơr êêng, ưl têêh), gùi sắn (dong kiêr), gùi củi (dong mặt)… Trong đó, nổi bật là Ta lêếch, chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông Cơ Tu được coi là đỉnh cao nghệ thuật đan lát của đồng bào nơi đây; P’reng - một loại gùi nhỏ được trang trí những hoa văn rất độc đáo dùng cho trẻ em theo mẹ mỗi khi đi lễ hội; hay P’rôm, một loại gùi đựng vật quý, biểu tượng của sự giàu có, no ấm, là của hồi môn người cha tặng con gái đi lấy chồng, hay dành riêng cho phụ nữ mang quà đi biếu mẹ cha...

Các sản phẩm đan lát mang dấu ấn văn hóa Cơ Tu - Ảnh: baodantoc.vn
Các sản phẩm đan lát mang dấu ấn văn hóa Cơ Tu
Ảnh: baodantoc.vn

Đan gùi là cơ hội để người đàn ông Cơ Tu chứng tỏ sự giỏi giang, khéo léo của mình. Qua thời gian, những vật dụng này ngày một hoàn thiện, trở nên tinh tế, phù hợp với nhu cầu mỗi người, mỗi công việc hàng ngày như gùi củi thì được đan thưa, gùi gạo, gùi muối thì thân phải đan sao cho thật kín, khít...

Nương tựa và mưu sinh nhờ rừng, đồng bào sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên khác nhau để đan lát các vật dụng, nhưng chủ yếu vẫn là mây, tre, lá dứa, sợi guột, dây bìm bịp rừng... Không chỉ có gùi, người Cơ Tu còn tạo ra nhiều loại vật dụng sinh hoạt được đan một cách tỉ mỉ, khéo léo và chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc như mâm (a pấc ka zơ), nia (đha' điêng, h' đing), rổ đựng (a pấc), giỏ tuốt lúa (arây, a rê), giỏ tỉa hạt (achuy, a chưy), đơm (bẫy) bắt cá (a' ruung), giỏ đựng cá (tơ ru/chơ ru), võng (t' nay)... Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát này phải mất ít nhất từ 3 - 5 ngày, thậm chí có những sản phẩm mất cả tháng trời.

Các sản phẩm đan lát mang dấu ấn văn hóa Cơ Tu

Khai thác “kho vàng” từ dãy Trường Sơn

Nghề đan lát không chỉ để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày mà còn thực sự góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Cơ Tu. Không chỉ vậy, nghề thủ công được lưu giữ, truyền lại từ hàng trăm năm nay lại rất phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc sống tương lai, khi con người hướng tới thuận tự nhiên và tôn trọng các giá trị bền vững với môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc: “Đến Quảng Nam, chúng tôi thấy “kho vàng” từ dãy Trường Sơn, đi đâu cũng có nguyên liệu đan lát, cho thấy tiềm năng phát triển lĩnh vực này của người Cơ Tu rất lớn. Đồng bào không kể hết những loại cây mây có ở rừng Trường Sơn... Chúng tôi nói với bà con rằng hãy phát triển sở trường của mình là sản phẩm đan lát truyền thống, dựa trên những mẫu mã mới có thể tiếp cận được và phù hợp với thị hiếu của đông đảo công chúng hiện nay”.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí khôi phục nghề thủ công này tại các xã Sông Kôn, huyện Đông Giang; xã Tr’Hy, huyện Tây Giang; xã Zduôih, huyện Nam Giang... Con em đồng bào Cơ Tu tại các làng nghề được học nghề và giới thiệu các mẫu đan, sản phẩm mây tre. Sản phẩm làm ra trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách, từ đó tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam.

Các sản phẩm đan lát mang dấu ấn văn hóa Cơ Tu

Cùng với nguồn lực của địa phương, tỉnh đã tranh thủ nguồn lực từ các dự án, chương trình của các tổ chức như dự án Trường Sơn Xanh, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft)… để khôi phục các làng nghề truyền thống. Theo ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang: Huyện luôn xác định khôi phục và bảo tồn văn hóa đồng bào gắn với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Việc gìn giữ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng được xác định là hướng đi quan trọng trong bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó có nghề đan lát mây tre.

Với định hướng đó, cùng với các nét văn hóa đặc sắc khác, nghề đan lát mây tre đã tạo nên sức hút, hấp dẫn nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tại các làng của đồng bào. Cũng nhờ vậy, việc giữ nghề, truyền nghề đan lát mây tre được quan tâm hơn. Từ sự phát triển này, hy vọng sẽ khuyến khích giới trẻ gìn giữ, phát triển những tri thức, kỹ năng đan, để còn mãi những chiếc gùi, chiếc giỏ... vốn đã gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn của người Cơ Tu, góp phần khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Thảo Nguyên