Lan toả môi trường rèn luyện an toàn, bình đẳng

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 18:01 - Chia sẻ

Sau 3 năm triển khai dự án “ không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội”, đến nay thông điệp của dự án đã lan tỏa tới 31.000 học sinh nam, nữ trên địa bàn huyện Ba Vì và quận Hà Đông; huy động 35.000 phụ huynh cùng tham gia...

Nhiều thay đổi tích cực

Dự án “ không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội” được tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện trong hơn 3 năm từ 2019 đến 2022 với mục tiêu thúc đẩy các không gian thể thao dễ tiếp cận, an toàn, thân thiện và bình đẳng giới trong trường học nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các em gái tham gia như các em trai, và thay đổi quan niệm xã hội về khả năng của các em gái trong việc tham gia thể thao và phát triển ngang bằng như các em trai. Dự án được triển khai tại 20 trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì và quận Hà Đông.

Nhân lên những môi trường học tập và rèn luyện an toàn, bình đẳng   -0
Toàn cảnh buổi tổng kết dự án " không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội"

Đến nay, sau 3 năm thực hiện, với các hoạt động bồi dưỡng năng lực chuyên môn, phương pháp tổ chức cho cán bộ quản lý và giáo viên để tổ chức các hoạt động. Hàng trăm trận bóng đá giao hữu được tổ chức giúp kết nối, chia sẻ giữa học sinh nam, học sinh nữ, cha mẹ và thầy cô, giữa gia đình và nhà trường để thể thao mang lại tiếng cười sảng khoái sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng, với phương châm “ đếm nụ cười, không đếm bàn thắng”. Hàng nghìn buổi sinh hoạt của 20 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi cũng được tổ chức để giúp các em gái, các em trai có thêm các kỹ năng chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe cũng như trang bị các kỹ năng sống để các em trở thành những người truyền lửa, lan tỏa các thông điệp về an toàn, thân thiện và bình đẳng tới các bạn học sinh trong toàn trường, tới cha mẹ, thầy cô và tới cộng đồng. Chưa kể, hơn 220 ngày hội thể thao vui, sự kiện truyền thông cấp trường đã được tổ chức để lan tỏa các thông điệp về an toàn, thân thiện và bình đẳng tới 31.000 học sinh nam, nữ trên địa bàn huyện Ba Vì và quận Hà Đông.

Nhân lên những môi trường học tập và rèn luyện an toàn, bình đẳng   -0
Thông điệp được các học sinh quận Hà Đông và Ba Vì đưa ra tại buổi tổng kết dự án

Dự án cũng đã huy động sự tham gia của hơn 35.000 cha mẹ học sinh thông qua ngày hội thể thao vui, các trận giao hữu bóng đá, các buổi nói chuyện tại các cuộc họp phụ huynh trong năm học. Thông qua các hoạt động này, cha mẹ đã có nhận thức tốt hơn và thay đổi quan niệm bất bình đẳng trong tham gia thể thao đối với con gái, đối với học sinh yếu thế, giúp cha mẹ đồng hành cùng với con trong việc thúc đẩy an toàn, bình đẳng trong trường học và cộng đồng.

Chị Ngô Thị Lập, phụ huynh em Quỳnh Anh - thành viên câu lạc bộ bóng đá thủ lĩnh của sự thay đổi của trường THCS Phú Châu - Ba Vì cho biết: Trước chị cũng như rất nhiều phụ huynh khác không thích cho các con, tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao, nhất là bóng đá vì là môn hoạt động mạnh. “Tôi sợ không an toàn cho các con đặc biệt là cháu gái”. Khi lên lớp 6, mấy lần cháu  xin cho con đăng ký tham gia Câu lạc bộ bóng đá, sau khi đắn đo suy nghĩ và tìm hiểu về câu lạc bộ của con, theo dõi và đồng hành cùng con thì thấy đây là dự án “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Ở đó con tôi không chỉ đá bóng mà còn được tham gia rất nhiều hoạt động như trò chơi, giáo dục kỹ năng sống về bình đẳng giới, về phòng chống bạo lực, về nhận biết và cách phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em… nên tôi đồng ý cho con tham gia. Kết quả sau một thời gian, tôi thấy con tôi vui vẻ, tự tin, năng động hơn…

Nhân lên những nụ cười

Báo cáo đánh giá độc lập cũng chỉ ra rằng, dự án đã đạt được 3/3 mục tiêu đặt ra. Dự án đã thàng công trong việc tăng cường sự tham gia tích cực của trẻ em gái, trẻ em trai vào luyện tập thể dục thể thao, thúc đẩy an toàn, bình đẳng. Tỉ lệ học sinh nữ, học sinh yếu thế tham gia luyện tập bóng đá, các môn thể thao đã tăng đáng kể. Đặc biệt, 85% các em gái cảm thấy an toàn, thoải mái chơi các môn thể thao yêu thích mà không bị kỳ thị bởi các định kiến giới. Dự án cũng thành công trong việc thay đổi quan niệm của cha mẹ học sinh về khả năng, sự tham gia của trẻ em gái trong các hoạt động thể thao- 96% học sinh nữ cho rằng được cha mẹ ủng hộ khi tham gia các hoạt động thể thao.

Nhân lên những môi trường học tập và rèn luyện an toàn, bình đẳng   -0
Học sinh nữ trường THCS Phú Châu ( Ba Vì) say mê tập luyện môn thể thao vua

Nhận thấy lợi ích của việc thực hiện không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì và quận Hà Đông đã mở rộng ra 36 trường THCS trên địa bàn 2 quận, huyện.

Từ kết quả trên, tại hội thảo chiều ngày 24.11 về tổng kết kết dự án, tổ chức Plan International Việt Nam và các đối tác đã nhìn nhận lại quá trình triển khai dự án, cũng như các bài học kinh nghiệm. Theo chia sẻ của các đối tác, dự án đã mang đến một cách làm mới, rất phù hợp bằng cách khuyến khích tham gia luyện tập thể thao tại trường học, kết hợp với giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thúc đẩy an toàn, bình đẳng trong lĩnh vực thể thao. Từ đó, lan tỏa thông điệp về an toàn- bình đẳng trong các lĩnh vực khác của trường học và cộng đồng.

Chia sẻ về kết quả thực hiện dự án tại địa bàn, Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết: Đây là dự án tuyệt vời, đánh trúng nhu cầu, mong đợi của các em học sinh, của ngành giáo dục, do đó đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các em học sinh, cha mẹ và thầy cô giáo. Sau 3 năm triển khai, những nụ cười, sự tự tin của các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh nữ trong các phần thi kiến thức và thi đấu thể thao. Đây là hoạt động rất tốt, cần tiếp tục được thực hiện và nhân rộng ra các trường.

Hưởng lợi trực tiếp từ dự án, em L ( Ba Vì) bày tỏ: “Tham gia dự án, con được đá bóng, môn thể thao vua mà con yêu thích. Với con, đá bóng trước đây chỉ là một thứ thật xa vời và không ngờ dự án đã đem lại cho con và các bạn nữ thực hiện niềm đam mê ấy, biến ước mơ của chúng con thành hiện thực. Con được học các bài tập kĩ thuật về bóng được học kĩ năng sống, được giao tiếp với các bạn trai cùng tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài trời để được sống trong một không gian thể thao, an toàn, thân thiện, bình đẳng, với các bạn.”

Cùng chung cảm xúc như L, nhiều học sinh các trường THCS Văn Khê ( Hà Đông), THCS Tản Hồng ( Ba Vì) khi được hỏi về lợi ích tham gia dự án cũng cho biết: tham gia dự án các em đều vui vẻ, nhận được nhiều lợi ích, sau mỗi trận giao hữu bóng đá, nụ cười các em luôn rạng ngời, sảng khoái, học tập vì thế cũng tốt hơn.

Với những kết quả tích cực, tổng kết dự án là điểm khởi đầu để tiếp tục lan tỏa cách làm, lan tỏa thông điệp về an toàn, bình đẳng tới tất cả trẻ em Việt Nam, giúp các em phát huy những tiềm năng vốn có của mình, được sống, học tập và rèn luyện trong một môi trường an toàn, bình đẳng.

Hải Thanh
#