Hiến kế thu hút khách du lịch quốc tế

- Thứ Năm, 16/03/2023, 06:35 - Chia sẻ

Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15.3, các doanh nghiệp ngành du lịch cho rằng, để đón được 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay cần đột phá trong chính sách visa và có những giải pháp tập trung hơn cho nhóm khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.

Khách nội địa là "cứu cánh" 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH,TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau 1 năm mở cửa hoàn toàn du lịch, ngành đã chứng kiến sự khôi phục mạnh mẽ của du lịch nội địa khi đón tới 101,3 triệu lượt khách. Trong khi đó, khách du lịch quốc tế chỉ đạt 70% kế hoạch (mục tiêu đón 5 triệu lượt khách).

Có nhiều nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam “đi trước nhưng về chậm”, như: doanh nghiệp chưa chủ động thích ứng, kết nối lại với thị trường, đẩy mạnh khai thác thị trường mới; chính sách visa còn nhiều rào cản; nhân lực du lịch thiếu hụt; các sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn…

Năm 2023, ngành du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, tổng thu du lịch 650.000 tỷ đồng
Năm 2023, ngành du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, tổng thu du lịch 650.000 tỷ đồng

Năm nay ngành phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, gồm 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 650.000 tỷ đồng. Đề cập các giải pháp để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển Vùng, tập trung định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam.

Cùng với đó, cơ cấu lại thị trường du lịch, nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo thị trường khách truyền thống; tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng. Triển khai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 - "Bình Thuận - Hội tụ xanh" và chuỗi các hoạt động hưởng ứng của các địa phương trong toàn quốc nhằm xây dựng và tạo điểm nhấn về sản phẩm, dịch vụ phục vụ các hoạt động quảng bá, xúc tiến hàng năm của Du lịch Việt Nam. Tăng cường quảng bá, xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hóa thị trường. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực và tháo gỡ những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực… Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo để 63 tỉnh, thành phố có 63 sản phẩm du lịch bản sắc và giúp nhân dân nâng cao nhận thức làm du lịch, phấn đấu đạt tiêu chí mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch thân thiện.

Ủng hộ các giải pháp này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cam kết sẽ vận động các doanh nghiệp tích cực triển khai; ông Bình cũng đề xuất cần có chính sách hỗ trợ điều chỉnh giá điện, ưu đãi về sử dụng đất cho doanh nghiệp du lịch. Quỹ Phát triển du lịch phải hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp triển khai xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài. 

Cần đột phá trong chính sách visa

Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm nay, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga phải quyết tâm để đạt được và cần có những giải pháp tập trung hơn với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày. Cụ thể là tập trung quảng bá du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia, cần tăng thêm ngân sách cho công tác này. Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền. Tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn 

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cũng cho rằng phải có đột phá hơn trong chính sách visa. Các bộ, ngành sớm xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội sửa Luật Xuất nhập cảnh theo hướng tăng thời hạn thị thực với khách du lịch quốc tế lên 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú từ 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần.

Ngoài ra, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/năm để đi du lịch, Canada là trên 33 tỷ USD. Các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ đều chi 21 -  26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch - những nước đang được miễn visa. “Khơi thông về visa sẽ giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023”, ông Trường nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch tiềm năng.

Trúc Oanh