Hà Nam: Giữ gìn cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch văn hóa

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 13:06 - Chia sẻ

Góp ý tại hội nghị xúc tiến du lịch Hà Nam mới đây, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, địa phương nên tận dụng điều kiện tự nhiên, thu hút nguồn lực để phát triển, đặc biệt là du lịch văn hóa.

Thu hút nguồn lực, khai thác tiềm năng

Hà Nam có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống đa dạng, có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch tâm linh, du lịch nông thôn... Song, thách thức lớn nhất của du lịch Hà Nam là kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Đa phần du khách mới chỉ dừng lại ở việc hành hương, chiêm bái, tham quan các điểm đến mà chưa có trải nghiệm văn hóa thực sự; sản phẩm, dịch vụ đơn điệu, dẫn đến nguồn doanh thu tại các điểm du lịch còn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến tình trạng quá tải du khách vào mỗi dịp lễ, dẫn đến những cảnh tượng xấu, làm mất mỹ quan tại các di tích, đền chùa… cũng là mối lo ngại đối với sự phát triển bền vững của du lịch Hà Nam.

Hà Nam: Giữ gìn cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch văn hóa  -0
Hà Nam cần phát huy các thế mạnh tự nhiên để phát triển du lịch văn hóa. Ảnh: Hải Nam

Trước những thách thức này, các doanh nghiệp du lịch cho rằng Hà Nam cần đổi mới sản phẩm, tăng cường quản lý, tranh thủ các cơ hội thu hút các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Ông Nguyễn Văn Trường, đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cho biết, sức hấp dẫn của du lịch Hà Nam nằm ở cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa và cách phát triển du lịch bền vững với môi trường và cộng đồng.

"Không giống như nhiều nơi trên thế giới phải xây dựng, tạo ra các cảnh quan, Hà Nam chỉ cần bảo vệ thiên nhiên, giữ sạch môi trường, cảnh quan, tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng là sẽ thành công".

Hà Nam đang nổi bật với các sản phẩm du lịch tâm linh, kết hợp cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy, địa hương nên tiếp tục bổ sung các sản phẩm gắn với nội dung này, ví dụ phát triển các khu homestay làng cổ Việt, khôi phục hoạt động làng nghề như làm đèn ông sao, trống Đọi Tam, nghề hoa lụa...

Đồng thời, để du khách trong nước và quốc tế biết tới những điểm đến ở Hà Nam, rất cần truyền thông, quảng bá, tiếp thị trên các nền tảng số. Các điểm đến cần có sự đầu tư, bảo đảm đáp ứng về sức tải và trải nghiệm khi du khách kéo tới ngày càng đông.

Gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa

Hà Nam: Giữ gìn cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch văn hóa  -0
Di tích đền Lảnh Giang (Hà Nam) hàng năm thu hút lượng lớn du khách. Ảnh: www.vietnam-tourism.com 

Theo PGS. TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nam nên khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Một số ngôi làng quê của Hà Nam có thể phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch làng quê, như làng hoa Phù Vân (TP. Phủ Lý), làng Vọc (huyện Bình Lục), làng lụa Nha Xá (TX. Duy Tiên), làng Chều (huyện Lý Nhân)...

“Các làng quê này cần được quy hoạch không gian và thẩm mỹ đồng bộ vì cảnh quan đẹp, thanh bình, mang bản sắc sẽ hấp dẫn hơn là một di sản nhiều năm tuổi nhưng để trong môi trường lộn xộn thiếu thẩm mỹ", PGS. TS Phạm Hồng Long góp ý.

Hà Nam: Giữ gìn cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch văn hóa  -0
Người dân Nha Xá phơi lụa. Ảnh: bietthungoctrai.vn

4 tháng đầu năm, Hà Nam đón trên 3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 2.420 tỷ đồng. Trong số hơn 3 triệu lượt khách đến Hà Nam, có 64.200 lượt khách quốc tế, gần 2,99 triệu lượt khách nội địa. So với cùng kỳ năm 2022, số lượng khách và doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh tăng hơn 5 lần.

TS. Trần Huy Đức, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận ở góc độ khác. Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa tại Hà Nam được sở hữu bởi chính cộng đồng dân cư đang sinh sống trên địa bàn. 

Vì vậy, du lịch Hà Nam chỉ phát triển khi một mặt biết khai thác các tài nguyên du lịch này, mặt khác chính người dân thấy tự hào, có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa. Cộng đồng dân cư phải được tham gia tích cực với các bên liên quan để đưa giá trị tài nguyên du lịch vào khai thác phát triển du lịch ngày một hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống từ vật chất tới tinh thần của chính người dân nơi đây.

Để gia tăng trải nghiệm cho du khách, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt gợi ý, Hà Nam cần bổ sung thường xuyên sản phẩm du lịch mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của Hà Nam; tăng cường kết nối các địa phương trong khu vực đồng bằng Sông Hồng và các địa phương trong cả nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từng bước đưa Hà Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và chất lượng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Hồng Hà
#