Đi dưới hào quang di sản

- Thứ Năm, 19/01/2023, 06:06 - Chia sẻ

Bằng tâm huyết của mình, các chuyên gia, người làm văn hóa đã và đang góp phần chữa lành những "vết thương" do thời gian, khí hậu gây ra, để di sản hiện hữu trong xã hội đương đại với gần như trọn vẹn giá trị nguyên bản.

Cẩn trọng và thiện tâm

Nhớ lại hơn 12 năm trước, KTS. Lê Thành Vinh bấy giờ là Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích quốc gia đang đau đáu nỗi niềm về cửa ô Hà Nội. Hoạt động trùng tu Ô Quan Chưởng cuối cùng cũng được tiến hành sau một thời gian dài di tích này bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng ngay trong quá trình thi công, các hạng mục vẫn chưa hoàn thành, đã xuất hiện ý kiến trái chiều về giải pháp tu bổ. Những người vốn từ lâu đã quen mắt với hình ảnh Ô Quan Chưởng nhuốm màu thời gian với lớp rêu phong, cỏ dại phủ dày, cảm thấy lạ lẫm với diện mạo của di tích sau khi được xử lý bề mặt tường. Có người đồng tình với việc phải loại bỏ rêu, cỏ dại bám trên di tích, nhưng nhiều người lại phản đối kịch liệt vì cho rằng di tích đã bị “làm mới”, xóa đi “màu thời gian” và làm mất dáng vẻ cổ kính của nó.

Dự án tu bổ di tích Ô Quan Chưởng, thế kỷ XVIII tại Hà Nội, của KTS Lê Thành Vinh và các cộng sự
Dự án tu bổ di tích Ô Quan Chưởng, thế kỷ XVIII tại Hà Nội, của KTS. Lê Thành Vinh và các cộng sự

Trùng tu Ô Quan Chưởng trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông, mũi tên chỉ trích hướng về nhà bảo tồn di sản. Tuy vậy, KTS. Lê Thành Vinh và các cộng sự vẫn cần mẫn với công việc của mình, để trả lại sự sạch sẽ cho di tích với những đặc điểm kiến trúc, giá trị lịch sử, văn hóa vốn có. Giá trị đích thực ấy không phải là những lớp rêu, mốc sống ký gửi ngày ngày âm thầm làm hại di tích. “Vấn đề này cần được xem xét trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của khoa học bảo tồn. Theo đó, phải phân biệt màu thời gian được tạo ra bởi năm tháng là yếu tố gốc cần bảo tồn và lớp rêu, mốc hay cỏ dại xuất hiện trên bề mặt công trình là tác nhân gây hại phải loại bỏ. Bởi vậy không nên nuối tiếc những hình ảnh có thể đã quen mắt nhưng không phải đặc điểm vốn có của di tích mà lại là tác nhân gây hại cho di tích”, KTS. Lê Thành Vinh lý giải.

Ở đây không chỉ là kiên định mà còn là sự dũng cảm, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sẵn sàng đối mặt với dư luận để gìn giữ di sản. Đồng cảm với câu chuyện của KTS. Lê Thành Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, TS. Phan Thanh Hải cho biết, từ lâu người làm công tác bảo tồn di sản thường xuyên đối mặt với những luồng ý kiến khác nhau khi bắt tay trùng tu, tôn tạo bất cứ công trình nào. Năm 2019, Huế áp dụng công nghệ của Đức, phun nước nóng xử lý hoàn toàn rêu mốc của công trình cổng Ngọ Môn, Hoàng thành Huế, làm dấy lên căng thẳng rằng đã biến công trình trên 170 năm tuổi trở thành… 1 tuổi.

“Tôi lúc đó vừa từ Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sang đảm nhận cương vị mới là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, ngay sau đó đã tổ chức họp báo về vấn đề này. Tôi nói rằng chúng ta đã quen nhìn di tích ở sự lấm lem, cũ bẩn mà chưa quen để cho di tích sạch sẽ. Thực ra chúng tôi không phải làm mới di tích mà là cho mọi người nhìn thấy nguyên thủy công trình cách đây 170 năm. Tất nhiên, sau cuộc họp báo đó vẫn còn nhiều luồng ý kiến, song dần dần người ta cũng hiểu hơn, bắt đầu chia sẻ với người làm công tác bảo tồn di sản”, TS. Phan Thanh Hải nhớ lại. 

Chia sẻ với người làm công tác bảo tồn là hiểu về tâm huyết gìn giữ vẹn nguyên giá trị di sản mà cha ông để lại. Nói như KTS. Lê Thành Vinh, bản chất trùng tu dù sao chăng nữa cũng là sự can thiệp, mà đã can thiệp thì phải chấp nhận có biến đổi nhất định, chấp nhận có yếu tố thay thế, vấn đề là cố gắng để thay đổi ở mức độ ít nhất, không ảnh hưởng đến những đặc điểm vốn có. “Đơn cử việc tu bổ Ô Quan Chưởng quy mô không lớn nhưng đã giải quyết được vấn đề cốt lõi và cấp thiết khi di tích trong tình trạng nguy kịch. 12 năm trôi qua minh chứng cho sự đúng đắn và tính khoa học của các hoạt động chuyên môn cùng nỗ lực bảo tồn di tích này. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Ô Quan Chưởng lại tiếp tục đứng vững và hòa mình vào cuộc sống thường nhật của khu phố cổ Hà Nội với dáng vẻ uy nghi, trầm mặc. Dấu ấn thời gian còn đọng trên đó, có cả dấu ấn của đợt trùng tu năm 2010 với nỗ lực thực hiện theo những nguyên lý cơ bản của khoa học bảo tồn, sự vững tâm, kiên định, cẩn trọng và thiện tâm của những người có trách nhiệm”.

Chữa lành “vết thương” cho di sản

Trùng tu di tích chưa bao giờ dễ dàng. Đầu tiên là vấn đề nhận thức, bởi đi cùng tu sửa, bảo tồn, xuất hiện vật liệu mới hơn dễ khiến dư luận, thậm chí những nhà quản lý nhìn vào, hiểu sai về chuyên môn bảo tồn di sản. Chưa kể, dù nhận thức thực sự đúng đắn, còn có nhiều khó khăn đến từ quá trình thực hiện, nhất là với những hạng mục cần sự can thiệp của bàn tay nghệ nhân. ThS. Nguyễn Thị Hương Thơm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia kể chuyện “hậu kỳ” thực hiện dự án bảo quản đồ gỗ sơn thếp thế kỷ XVIII - XIX tại Bảo tàng năm 2006. Đây là dự án bảo quản đầu tiên tại Việt Nam quan tâm đến chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, cũng là một trong 87 dự án, trong tổng số 164 dự án đề nghị từ 76 nước được Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ kinh phí thực hiện tại thời điểm đó.

Hiện vật gỗ sơn son thếp vàng được bảo quản và giới thiệu đến công chúng thăm quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Hiện vật gỗ sơn son thếp vàng được bảo quản và giới thiệu đến công chúng
thăm quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Được quan tâm là vậy nhưng khi bắt tay thực hiện mới lắm gian nan. Nhóm thực hiện dự án lúc ấy dưới sự chỉ đạo của TS. Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng, một mặt đi thực tế tìm hiểu làng nghề truyền thống, mặt khác mời các chuyên gia bảo quản, họa sĩ trong lĩnh vực sơn mài và những lĩnh vực liên quan góp sức. Đáng buồn là các làng nghề còn rất hiếm gia đình sản xuất sản phẩm sơn mài với đầy đủ công đoạn và sử dụng vật liệu truyền thống. Sau nhiều ngày rong ruổi kiếm tìm, nhóm mới gặp được gia đình ông Nguyễn Trung Vũ ở làng nghề sơn mài truyền thống Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tìm được nghệ nhân như “bắt được vàng”, bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề kết hợp với các chuyên gia, những người am hiểu di sản đã giúp dự án hoàn thành với chất lượng cao, sau hơn 7 tháng miệt mài thực hiện.

“Chúng tôi tiếp tục bắt tay thực hiện những dự án bảo tồn khác, trên cơ sở kết quả thu được cùng với năng lực, kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình học tập, nghiên cứu và bảo quản hiện vật. Thành công đó là đã gìn giữ tối đa phần hiện vật gốc - những đường nét sáng tạo nghệ thuật của nghệ nhân xưa với dấu ấn lịch sử, sử dụng vật liệu và kỹ thuật truyền thống để phục hồi những phần đã hỏng hay mất mát mà không làm thay đổi màu sắc, hình dạng hiện vật hay phong cách nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng có lẽ, thành công đó còn chứa đựng cả niềm hạnh phúc của những người thực hiện là làm tăng tuổi thọ của hiện vật, đáp ứng công tác nghiên cứu và trưng bày phục vụ công chúng, bảo đảm lưu giữ được lâu dài để có thể trao truyền lại cho tương lai”, ThS. Nguyễn Thị Hương Thơm chia sẻ.  

Ai đó hình dung rằng làm công tác bảo tồn di sản chính là cần mẫn đi dưới ánh hào quang tỏa ra từ những sáng tạo tài hoa của ông cha, khúc xạ hào quang đó cho các thế hệ mai sau. Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, TS. Lê Thị Minh Lý nhìn nhận, dù thế nào những người làm công tác bảo tồn di sản đã đem đến cơ hội tuyệt vời để di sản được “cứu nguy”, được “trị liệu” để chữa lành những vết thương gây ra bởi thời gian, khí hậu và cả chính con người. Nhờ vậy, những di sản của tổ tiên, cha ông đã trở nên có hồn hơn và có sức sống hơn, để được hiện hữu trong xã hội đương đại với sắc thái gần nguyên bản, trọn vẹn giá trị của truyền thống.

Thái Minh
#