Đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm

- Thứ Năm, 28/07/2022, 18:37 - Chia sẻ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, văn phòng đại diện tại nước ngoài, trung tâm văn hóa các nước để đẩy mạnh xúc tiến thị trường du lịch trọng điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành, du lịch kết nối trở lại.

Đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm -0
Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Đức Trung chủ trì họp báo

Tại họp báo Thường kỳ quý II, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trả lời câu hỏi về giải pháp nào thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau hơn 4 tháng mở cửa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, tháng 11.2021, Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế và ngày 15.3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều.

“Cụ thể, mong muốn của chúng ta khi mở cửa là đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Theo thống kê, tính đến giờ phút này, Việt Nam đã đón khoảng 71,8 triệu lượt khách nội địa, như thế là đã vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế chỉ đạt hơn 733.500 lượt”, ông Phạm Văn Thủy thông tin.

Nguyên nhân của tình trạng này được đánh giá là do hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách (nơi gửi khách và nơi đón khách). Trong khi đó, dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua đã làm hoạt động đón khách du lịch bị gián đoạn. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại.

Đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm -0
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy trao đổi với các
cơ quan thông tấn, báo chí

“Chúng ta kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, lượng khách sẽ đông hơn. Việc đón khách quốc tế cũng có điểm khó như luồng khách đến Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 70%. Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện nay đang có những chính sách chống dịch khá chặt chẽ như Trung Quốc với chính sách "zero Covid" hay khách nhập cảnh vào Hàn Quốc dù không phải cách li nhưng theo quy định bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19 trước và sau khi nhập cảnh để đối phó với nguy cơ lây nhiễm. Điều này làm cho khách du lịch vẫn e ngại”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.

Một yếu tố nữa được ông Phạm Văn Thủy nhắc tới là thời gian vừa qua, khách du lịch quốc tế cũng thận trọng hơn khi chọn Việt Nam làm điểm đến do dịch Covid-19 chưa hoàn toàn dứt hẳn, chúng ta lại tiếp tục phải gánh chịu các đợt dịch mới như cúm A, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết…

Bên cạnh đó, như thông lệ, thời điểm khách du lịch quốc tế đến đông sẽ từ tháng 9, 10 năm nay gối đầu đến tháng 3, 4 năm tới.

Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch đưa ra các giải pháp. Trước hết, cần tiếp tục làm tốt việc truyền thông về các chính sách visa, y tế, nhập cảnh cũng như cần có thêm thông tin kết nối với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để khách quốc tế có thể được tiếp cận thêm nhiều thông tin về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp với các văn phòng đại diện tại nước ngoài, trung tâm văn hóa các nước nhằm đẩy mạnh xúc tiến thị trường du lịch trọng điểm, tạo điều kiện để doanh nghiệp lữ hành, du lịch kết nối trở lại, tạo ra lượng cung - cầu tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ để thu hút nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.

“Với các giải pháp trên đây, chúng ta sẽ sớm thu hút được du khách quốc tế trở lại với Việt Nam”, ông Phạm Văn Thủy bày tỏ tin tưởng.

H.Sen
#