Cúng cơm mới, cầu mùa bội thu

- Thứ Ba, 22/11/2022, 15:39 - Chia sẻ

Lễ cúng cơm mới của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) là một nghi thức không thể thiếu sau mỗi mùa vụ bội thu, thể hiện sự biết ơn, hiếu thuận của con cháu với ông bà, tổ tiên, thổ công, thổ địa, thần núi, thần sông, cầu mong mùa màng tươi tốt, công việc làm ăn thuận lợi.

Khi những thửa ruộng bậc thang chín vàng là thời điểm bắt đầu ăn cơm mới của mọi nhà người Mông trên vùng cao Mù Cang Chải. Trước đây, người Mông thường đi gặt trước một đám lúa từ 10 - 20m2 về phơi khô hoặc rang sau đó đem xây xát lấy gạo chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới của gia đình. Nhưng gần đây đời sống của đồng bào được nâng lên nhờ các chính sách định canh, định cư và hỗ trợ sinh kế phát triển kinh tế bền vững, xóa đói, giảm nghèo, người Mông đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên tỉnh trạng thiếu đói mùa giáp hạt đã không còn. Vì thế, người Mông thường gặt lúa xong mới ăn cơm mới và thường được tổ chức vào cuối tuần để con cháu đi học hoặc công tác được nghỉ về dự.

Cúng cơm mới, cầu mùa bội thu -0
Mời bố mẹ, tổ tiên về ăn cơm mới

Khi tổ chức lễ ăn cơm mới, tùy thuộc hoàn cảnh gia đình mà gia chủ có thể mổ lợn, hoặc gà để mời tổ tiên, thổ công, thổ địa và tỏ lòng biết ơn đến thiên nhiên, ông bà, cha mẹ.

Cúng cơm mới, cầu mùa bội thu -0
Mời thần cửa, thổ công, thổ địa

Khâu chuẩn bị không quá phức tạp. Gia chủ lấy gạo mới nấu cơm, sau đó mổ gà, lợn và bắt buộc phải mổ trong gian nhà giữa, thẳng với cửa chính của gia đình, để thể hiện lòng thành và tổ tiên được chứng kiến. Sau khi cơm và thức ăn được nấu chín, gia chủ sắp một mâm cơm riêng ra gian nhà giữa thẳng cửa chính và bàn thờ. Mâm cơm cúng gồm một nồi cơm, đầy đủ thịt, trên âu cơm tùy vào mỗi họ, tộc mà để số lượng thìa khác nhau. Đối với họ Giàng sua phải cắm 6 thìa dựng đứng trên âu cơm, sau đó xếp 2 ghế đối diện với ghế gia chủ ngồi.

Lễ cúng cơm mới là nghi thức không thể thiếu sau mỗi vụ mùa
Lễ cúng cơm mới là nghi thức không thể thiếu sau mỗi vụ mùa

Khi vào bàn cúng, gia chủ phải múc 1 thìa cơm, cùng nước và thịt, đặt trên bàn, mời bố hoặc mẹ (nếu đã mất), sau đó mời tổ tiên và cuối cùng gia chủ cầm thìa cơm cùng miếng thịt đứng trước cửa mời thần cửa, thổ công, thổ địa.

Ý nghĩa của các câu mời đều giống nhau: Hôm nay, gia đình làm lễ ăn cơm mới, tôi đại diện gia đình mời ông bà, bố mẹ, tổ tiên, thần lúa, thần cây, thần núi, thần sông suối... về ăn cùng gia đình. Cầu mong tổ tiên và các vị thần sẽ phù hộ để vụ mùa sau lại bội thu; che chở, bảo vệ con cháu trong gia đình có sức khỏe tốt, lên rừng, xuống suối làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, gia chủ còn cảm ơn ông bà, tổ tiên đã luôn bảo vệ, đem lại may mắn cho các thành viên trong gia đình, cả nhà mạnh khỏe, vui vẻ lao động sản xuất tạo ra nhiều lúa thóc mới trong năm sau.

Kết thúc nghi lễ cúng cơm, chủ nhà ăn một vài thìa cơm để thể hiện bản thân đang tiếp tổ tiên và các vị thần về ăn cơm mới.

Cúng cơm mới, cầu mùa bội thu -0
Bạn bè, hàng xóm chúc mừng cơm mới

Theo quan niệm của người Mông, ăn cơm mới là sự kiện đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong một năm lao động vất vả, bởi nếu không tổ chức lễ cơm mới thì chủ nhà sẽ không được ăn gạo mới. Đây cũng là nghi thức rất quan trọng thể hiện lòng thành, sự hiếu thảo đối với ông bà, tổ tiên.

Sau lễ cúng, gia chủ sẽ mời anh em, hàng xóm cùng ăn cơm cơm, mời nhau những chén rượu vui và gửi lời chúc tốt đẹp nhất, cầu mong vụ sau năng suất hơn để gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bài: A Lù; Ảnh: Minh Thu