Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch

Phao xốp, rác thải trôi nổi trên mặt biển; chai lọ, hộp nhựa tràn ngập tại các điểm du lịch đang là nỗi ám ảnh của nhiều khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Ô nhiễm rác thải nhựa sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam, vì vậy từ du khách, các đơn vị kinh doanh du lịch cho đến các điểm đến cần trách nhiệm hơn trong việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến xây dựng Việt Nam thành điểm đến xanh.

Áp lực rác thải nhựa

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 -12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy, Việt Nam hiện có trên 400 triệu tấn rác thải nhựa bị rò rỉ ra đại dương, tương đương với lượng rác rò rỉ là 4.7 kg/người/năm. Một trong những hệ quả của phát triển du lịch là tác động xấu đối với môi trường, trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa. Với hàng trăm triệu khách/năm, ngành Du lịch là một nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trong nước, với số lượng tăng dần theo từng năm, gây “gánh nặng” cho môi trường.

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, tăng trưởng lượng khách du lịch và xu hướng du lịch nhiều hơn trong giai đoạn vừa qua đã xả lượng lớn chất thải ra môi trường, trong đó có rác thải nhựa. Ước tính, trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni lông/ngày; 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày. Đó là chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần khác.

Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch -0
Lượng rác thải nhựa sẽ ngày càng gia tăng nếu cộng đồng không tiến hành biện pháp bảo vệ môi trường 

Phao xốp, rác thải trôi nổi trên mặt biển; chai lọ, hộp nhựa tràn ngập tại các điểm du lịch đang là nỗi ám ảnh của nhiều khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm du lịch chiếm tỷ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên. Điển hình như tại vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày đêm. Tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày…

Tại Hội thảo “Giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch ở Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường. Nếu không được giải quyết, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học. Ngoài ra, ô nhiễm rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam.

Nhân rộng các “mô hình tốt” tại các địa phương

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường và con người, Chính phủ Việt Nam đã được ban hành nhiều chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Trong đó, một trong những quan điểm phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm, lấy “tôn trọng môi trường” làm nguyên tắc, ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh”.

Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại khu, điểm du lịch. Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định đến năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy...

Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch -0
TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã huy động sự tham gia của các lực lượng Công an, Quân đội, thanh niên xung kích thu dọn rác trên mặt vịnh

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, trong đó có những hướng dẫn về việc giảm thiểu rác thải nhựa, về việc bảo vệ môi trường, trong đó hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần, ban hành Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hoá thể thao và du lịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch không nên chỉ phụ thuộc vào “luật” mà nên thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích, nhân rộng các mô hình tốt về bảo vệ môi trường. Bởi, việc tác động vào nhận thức của từng người dân, khách du lịch, từng doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch để họ tự ý thức bảo vệ môi trường sẽ có hiệu quả rất cao.

Thực tế, TP. Huế đang triển khai dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2024 sẽ giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa và có 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Theo đó, từ năm 2019, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm tại khu di sản Huế đã không còn sử dụng túi ni lông và vật liệu nhựa sử dụng một lần. Các cơ sở này đã sử dụng túi giấy và ghi rõ nội dung “Di sản Huế - Nói không với túi ni lông”. Nhiều điểm di tích khác cũng có hoạt động tương tự. Đã có hơn 80 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã cùng ký cam kết về việc giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế tối đa các sản phẩm từ nhựa. Tại các hội nghị, hội thảo của đơn vị, không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, có thể tích 330 - 500ml và sử dụng chai thủy tinh; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định; định kỳ chủ nhật hằng tuần tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại nơi ở, nơi làm việc.

Còn Hội An -từng là điểm nóng về vấn đề rác thải khi lượng khách ngày càng đông. Từ tháng 3.2021, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND thành phố Hội An ban hành Kế hoạch hành động đến năm 2023, trong đó các doanh nghiệp du lịch giảm rác thải và rác thải nhựa tại các điểm đến, cơ sở lưu trú với hình thức không dùng đồ nhựa dùng 1 lần mà thay thế bằng vật liệu khác.

Mới đây, UBND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cũng phát động chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh” năm 2023 gắn với Đề án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” thu hút cả du khách và người dân tham gia. Các hoạt động bao gồm: trao giỏ đựng rác với thông điệp “Chở xanh - Thở lành” cho các lái đò tại bến thuyền Vân Long; ra quân tổng vệ sinh môi trường tại Khu du lịch Vân Long; chương trình “Điều em muốn nói” với hoạt động đổi rác nhận quà, bán sản phẩm tái chế, tạo tháp cây; nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn, giảm xả thải nhựa... Chiến dịch này đã tạo nên hình ảnh đẹp trong đánh giá của du khách.

Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch, địa phương và vai trò trung tâm của Hiệp hội Du lịch Việt Nam để kết nối các chương trình, chính sách của ngành du lịch, lan tỏa rộng rãi các mô hình tốt về giảm thiểu rác thải nhựa đến các cơ sở dịch vụ, người làm du lịch, kỳ vọng, ngành du lịch Việt Nam sẽ ngày càng có những thay đổi tích cực, hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững.

________

(Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)

Du lịch - Thể thao

Quảng Nam đăng cai hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của UN Tourism
Văn hóa - Thể thao

Quảng Nam đăng cai hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của UN Tourism

Ngày 22.11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UN Tourism và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp thường niên Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism, từ ngày 9 - 11.12, tại Quảng Nam.

Đội tuyển Việt Nam có 3 trận đấu tập tại Hàn Quốc
Văn hóa - Thể thao

Đội tuyển Việt Nam có 3 trận đấu tập tại Hàn Quốc

Hôm nay, 21.11, đội tuyển Việt Nam hội quân chính thức bước vào đợt tập trung quan trọng để chuẩn bị cho Giải vô địch Đông Nam Á - ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Thầy trò HLV Kim Sang Sik sẽ có đợt tập huấn 10 ngày tại Hàn Quốc với 3 trận đá tập nhằm kiểm tra, đánh giá lực lượng và hoàn thiện lối chơi.

Công cụ số hóa giúp doanh nghiệp du lịch đáp ứng nhu cầu khách hàng trong kỷ nguyên số.
Du lịch - Thể thao

Doanh nghiệp lữ hành với tiếp thị trực tuyến

Tại tọa đàm “Chiến lược marketing online và phần mềm quản lý kinh doanh du lịch lữ hành” do CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức mới đây, các doanh nghiệp đã chia sẻ và giới thiệu nhiều giải pháp cùng kinh nghiệm thực tế ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp lữ hành quản lý toàn bộ quy trình kinh doanh hiệu quả.

Tỉnh Hòa Bình dự kiến tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh năm 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc
Địa phương

Tiếp tục kích cầu, phát triển du lịch bền vững

Để tiếp tục kích cầu, phát triển du lịch, ngay trung tuần tháng 11 (từ 15 - 23.11), tỉnh Hòa Bình tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh năm 2024 tại thành phố Hòa Bình. Đây là sự kiện quan trọng được chuẩn bị chu đáo để giới thiệu các hoạt động văn hóa phong phú và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua 4 nội dung đột phá đã được tỉnh đề ra từ đầu nhiệm kỳ.

Khách du lịch đến Ninh Bình tiếp tục tăng
Văn hóa - Thể thao

Khách du lịch đến Ninh Bình tiếp tục tăng

Theo Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tháng 10 ước đạt trên 386,5 nghìn lượt, tăng 11,90% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 10 tháng năm 2024 là trên 7.683,6 nghìn lượt.