"Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ chạy bộ"
Sau gần 19 năm, chưa có vận động viên (VĐV) Việt Nam nào vượt qua thành tích 2 giờ 21 phút 51 giây mà VĐV Nguyễn Chí Đông xác lập tháng 12.2003 tại SEA Games 22, tổ chức tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Trong cuộc giao lưu trước giờ khai mạc Giải chạy Quốc tế Di sản Hà Nội (VPBank Hanoi Marathon - VPHM 2022) chiều tối 15.10, nam vận động viên chia sẻ, chạy bộ là bộ môn rất đơn giản mà ai cũng có thể tham gia tập luyện thi đấu. "Tôi yêu thích chạy bộ từ năm 12 - 13 tuổi, gắn bó với nó cho đến khi đạt được những thành tích đỉnh cao và tiếp tục truyền cảm hứng ấy đến các vận động viên khác".
"Chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ chạy bộ" - khẳng định như vậy, VĐV Nguyễn Thường Việt cho biết, anh đến với chạy bộ một cách tình cờ, rồi cảm thấy cơ thể phù hợp với bộ môn này, dần dần chạy bộ trở thành niềm đam mê. Là vận động viên phong trào, thành tích chạy bộ của anh dần tăng lên theo hành trình nuôi dưỡng tình yêu với chạy bộ.
"Càng chạy, tôi càng nhận ra bộ môn này rất tốt cho tim mạch, phổi, nhất là qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi. Đó là lý do tôi tiếp tục yêu chạy bộ, cảm thấy cuộc sống hứng khởi hơn mỗi ngày khi thức dậy đều chạy bộ. Cứ thế được 5 năm, chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ bỏ chạy bộ", VĐV Nguyễn Thường Việt nói.
Đam mê là khởi nguồn, nhưng quan trọng là sự kiên trì và bản lĩnh chinh phục. Quan điểm như vậy, VĐV Trịnh Quốc Lượng cho rằng, trong thể thao, chạy bộ là bộ môn đem lại năng lượng rất tích cực. Mỗi cung đường là một cuộc thử sức với chính mình, trải nghiệm bản thân.
VĐV Trịnh Quốc Lượng chia sẻ: "Từ khi mới chạy bộ cho đến khi muốn chinh phục cự ly 42km, tôi thấy rằng điều quan trọng nhất là sự kiên trì tập luyện hàng ngày, tích lũy từ nội dung ngắn đến dài, từ thời gian dài đến thời gian ngắn hơn cùng một cự ly. Dù là vận động viên chuyên nghiệp, chúng ta không nên quá ảo tưởng về thành tích, bộ môn này cần sự kiên trì tập luyện năm này qua năm khác, trau dồi kinh nghiệm để không bị chấn thương, tránh các rủi ro, để đi đến đích marathon tốt hơn những người bình thường".
Nạp nguồn năng lượng tích cực
Bằng kinh ngiệm trong nhiều năm tham gia các giải chạy, VĐV Lèo Thị Tình bật mí cách để chinh phục đường chạy: "Trước khi vào buổi tập phải khởi động thật kỹ, thả lỏng bản thân nếu không sẽ rất dễ chấn thương. Thường, trước khi xuất phát 10 phút tôi sẽ nạp năng lượng, để cơ thể khỏe hơn, sau đó tầm 2km tôi sẽ tiếp nước, từ 2km đến 20km tiếp theo tôi sẽ nạp năng lượng bằng cách ăn khoảng 2 - 3 gói gel năng lượng, uống nước".
Còn theo VĐV Trịnh Quốc Lượng: "Trước khi bước vào đường đua 1 tiếng tôi sẽ ăn một thanh kẹo năng lượng, sau đó khởi động. Sẽ tùy từng cự ly và tùy theo tiếng nói của cơ thể mà tôi quyết định có dừng lại ở check point nào không để nạp năng lượng. Có những điểm tôi sẽ không uống nước mà dội nước lên đầu để làm mát cơ thể, không bao giờ để cơ thể quá nóng. Thông thường, trước một chặng đường như giải chạy ngày mai, tôi sẽ chuẩn bị khoảng 4 - 5 thanh kẹo năng lượng, để bảo đảm cơ thể luôn có năng lượng, có sức để chạy".
VĐV Nguyễn Chí Đông cho rằng, mỗi VĐV khi thi đấu sẽ có những cách khởi động và nạp năng lượng riêng cũng như dựa trên kinh nghiệm của mình để tự điều chỉnh cách phân phối sức lực như thế nào cho hợp lý. Thông thường, các cự ly dài như 21km, 42km, thời gian hoàn thành tính bằng tiếng, vì vậy chắc chắn phải nạp năng lượng. Nhưng người chạy tốt nhất chỉ nên uống nước trắng hoặc nước quen thuộc hàng ngày, hay ăn loại trái cây, chuẩn bị loại bánh hàng ngày đã quen thuộc.
"Và có lẽ chúng ta còn cần chuẩn bị một điều nữa, ngoài việc đặt ra mục tiêu và tập luyện để sẵn sàng bước vào thử thách và chinh phục nó. Đó chính là ý chí quyết tâm và bản lĩnh. Tôi luôn cổ vũ các vận động viên rằng, chúng ta bước vào đường chạy đã là người chiến thắng rồi, nhưng có thêm bản lĩnh nữa thì kết quả chắc chắn sẽ tốt, chúng ta ngày càng làm tốt hơn so với thành tích của chính mình, quyết tâm không bỏ cuộc, thì chính là hoàn thành xuất sắc rồi".