Bóng đá chuyên nghiệp muốn thành công phải đầu tư tương xứng

- Thứ Năm, 28/07/2022, 05:47 - Chia sẻ

Là trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu Việt Nam, tại sao bóng đá Nghệ An “càng lên cao càng mất hút”? Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mang băn khoăn này đến các cuộc làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An và phần nào đã được giải đáp.

Thành tích đáng nể

Hơn 7 giờ sáng, mặc dù đang trong thời gian nghỉ hè, song trên sân bóng của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An vẫn có khoảng hơn chục em tầm 8 - 9 tuổi đang hào hứng luyện tập. Đây là lứa tuổi nhỏ nhất được Trung tâm mở lớp đào tạo từ năm 2021 để tham gia Giải U9 toàn quốc theo hệ thống thi đấu bóng đá trẻ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao Sông Lam Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An Nguyễn Đình Nghĩa khoe, U9 Sông Lam Nghệ An đã giành chức vô địch U9 toàn quốc Toyota Cup 2021 ngay trong lần đầu tiên giải được tổ chức (diễn ra tháng 2.2022).

Bóng đá chuyên nghiệp muốn thành công phải đầu tư tương xứng -0
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thăm Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An

Ghi nhận cách đào tạo bóng đá trẻ bài bản, chuyên nghiệp và trách nhiệm của Nghệ An, kết hợp hài hòa giữa thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mong muốn Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An bên cạnh đào tạo kỹ năng thể thao, cần quan tâm dạy văn hóa, hướng nghiệp, giúp các cầu thủ có cuộc sống ổn định sau khi rời sân cỏ. Ngoài ra, tăng cường xã hội hóa để nâng cao các điều kiện đào tạo cầu thủ trẻ.

Góc truyền thống của bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An năm 2022 còn có thêm Cup vô địch toàn quốc của đội U13, Huy chương đồng của U19 và đang chờ tin vui từ các đội U11, U17 khi đã lọt vào vòng chung kết. Trước đó, 3 năm liên tiếp, 2018, 2019, 2020, năm nào Sông Lam Nghệ An cũng giành chức vô địch ở 3 độ tuổi. Đáng chú ý, năm 2020, sau 8 năm chờ đợi, U17 Sông Lam Nghệ An đã giành ngôi vô địch quốc gia, chiếc cúp thứ tám của đội bóng xứ Nghệ ở lứa tuổi này. “Chúng tôi tự hào khi đội bóng nào cũng đặt mục tiêu chiến thắng Sông Lam Nghệ An” - ông Nguyễn Đình Nghĩa nói.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Nguyễn Thị Thanh Hương cũng tự hào, song không giấu nỗi băn khoăn: “Các lứa tuổi nhỏ U9, 11, 13, 15, mỗi năm Sông Lam Nghệ An có thể có tới 3 chức vô địch. Đây là thành tích không trung tâm đào tạo bóng đá trẻ nào ở Việt Nam có được. Nhưng lên các tuyến trên, U19, U21 chỉ đạt Huy chương Bạc, Huy chương Đồng, chưa giành chức vô địch lần nào. Đây là trăn trở của chúng tôi”.

“Chất Nghệ” trong các cầu thủ nhí

Trước thành tích đáng nể của bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, nhiều địa phương, đơn vị đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Nhưng những điểm mạnh của Sông Lam Nghệ An dễ gì nơi khác có được!

Theo ông Nguyễn Đình Nghĩa, “thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là sự yêu thích bóng đá của người dân Nghệ An. Khi có con em trúng tuyển vào Sông Lam Nghệ An, họ coi đó là niềm tự hào. Chúng tôi có tới 25 lớp vệ tinh cấp huyện. 7 - 8 tuổi các cháu đã được học đá bóng bài bản, từ đó Sông Lam Nghệ An tìm ra nhân tài và không bỏ lỡ nhân tài”.

Hiện tại Sông Lam Nghệ An có 12 lớp năng khiếu từ U9 - U21 và đội tuyển trẻ (thi đấu hạng 3), với tổng cộng 215 vận động viên. Ngoài ra, câu lạc bộ ký hợp đồng với 25 lớp nghiệp dư với 500 vận động viên từ U9 - U13 tại các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là nguồn bổ sung vận động viên năng khiếu đầu vào cho câu lạc bộ.

Qua quá trình tập luyện ở hệ thống 25 lớp vệ tinh, các vận động viên sẽ được kiểm tra chuyên môn, tư duy chơi bóng. Nếu vượt qua buổi kiểm tra cuối cùng này, các em sẽ được ký hợp đồng chính thức với Sông Lam Nghệ An. Ông Nghĩa khẳng định: “Nếu đầu vào tuyển chọn nghiêm khắc thì đầu ra sẽ tốt”.

So cầu thủ đồng trang lứa, Sông Lam Nghệ An được đánh giá “máu lửa” và bản lĩnh hơn. Điều này một phần nhờ “chất Nghệ” trong mỗi cầu thủ, song còn bởi chỉ tiêu “giải nào cũng phải giành chiến thắng”. Từ huấn luyện viên đến các cầu thủ đều nhận thức được nhiệm vụ này, có trách nhiệm phải thắng để đáp lại kỳ vọng của lãnh đạo và người hâm mộ Nghệ An, cũng là để bảo vệ truyền thống của câu lạc bộ.

Tại sao “càng lên cao càng mất hút”?

Truyền thống, đam mê và đào tạo bài bản từ rất sớm như vậy, tại sao bóng đá Nghệ An lứa tuổi U19, U23 chưa thành công như kỳ vọng? Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Nguyễn Thị Thanh Hương thẳng thắn, “có ba nguyên nhân”.

Thứ nhất, tuyến đào tạo cầu thủ trẻ do ngân sách Nhà nước chi trả, mặc dù có sự hỗ trợ một phần của doanh nghiệp (Tập đoàn Tân Long) nhưng so với các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác như Viettel hay Hoàng Anh Gia Lai thì “một trời một vực”. Sân tập và chỗ ở của cầu thủ không đầy đủ. “Nhiều tỉnh đến tìm hiểu và họ đều ngỡ ngàng, không hiểu tại sao cơ sở vật chất như vậy mà Nghệ An lại có được thành tích cao như thế”, bà Thanh Hương kể.

Thứ hai, trong khi các lò đào tạo khác có nguồn kinh phí lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình tuyển chọn và huấn luyện, thậm chí thuê huấn luyện viên ngoại, đi tập huấn ở nước ngoài, thì Sông Lam Nghệ An vẫn hoạt động theo cách cũ. Huấn luyện viên các đội tuyển của bóng đá trẻ Nghệ An chủ yếu trưởng thành từ vận động viên. Mặc dù hiện nay các cầu thủ ăn theo thực đơn bác sĩ kê, nhưng Trung tâm chưa có bác sĩ chuyên về dinh dưỡng… 

Thứ ba, bóng đá là môn thể thao tập thể nên tư duy chiến thuật của huấn luyện viên rất quan trọng. Đã đến lúc Sông Lam Nghệ An phải tính đến thuê huấn luyện viên nước ngoài để có tư duy chiến thuật phù hợp.

“Lứa tuổi nhỏ thì đá và thành công chủ yếu do truyền thống bóng đá, nhưng lên tuyến trên không thể truyền thống được nữa. Muốn đạt thành tích cao, phải có sự đầu tư bài bản và tương xứng”, bà Thanh Hương khẳng định.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An N guyễn Đình Nghĩa kiến nghị xây dựng Khu liên hợp thể thao vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An, từ đó xây dựng Học viện đào tạo bóng đá trẻ theo mô hình tiên tiến nhất hiện nay. Có thể đây là một hướng để phát triển bóng đá trẻ Nghệ An nói riêng, Bắc Trung Bộ nói chung, nhưng làm được điều này phải chuẩn bị đủ 3 yếu tố: Quỹ đất, nguồn lực đầu tư và trong quy hoạch của ngành Văn hóa - Thể thao Nghệ An phải có thiết chế này.

Nhật Linh