- Chống phân biệt chủng tộc đã trở thành truyền thống tại vòng tứ kết của World Cup. Mục tiêu của sáng kiến này là gì, thưa Ông?
- Hàng năm, những ngày chống phân biệt đều được tổ chức tại một trong các giải đấu của FIFA nhằm nâng cao nhận thức về việc cần xóa bỏ phân biệt chủng tộc cũng như các hình thức phân biệt khác trong bóng đá. Đây là lần thứ 4 chúng tôi dành vòng tứ kết của World Cup cho chủ đề này. Mục tiêu là dùng bóng đá làm bàn đạp để truyền thông điệp tới hàng triệu người trên khắp hành tinh theo dõi World Cup, để họ tham gia chống phân biệt. Với tác động của mình, đặc biệt tầm ảnh hưởng của các cầu thủ đối với thế hệ trẻ, bóng đá có thể đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.
- Cụ thể, những ngày đặc biệt này tổ chức như thế nào?
- Cũng giống như các năm trước, có thông điệp đặc biệt trước trận đấu. Đội trưởng 2 đội đọc tuyên bố chống phân biệt chủng tộc, sau đó trọng tài và các cầu thủ cùng đưa ra thông điệp thể hiện quan điểm của bóng đá chống phân biệt (Say no to racism - Nói không với phân biệt chủng tộc). Năm nay chúng tôi còn phát động chiến dịch truyền thông xã hội, mời các cầu thủ, đặc biệt là các cổ động viên, Nói không với phân biệt chủng tộc thông qua những bức ảnh của chính họ (selfie) đưa lên trên trang mạng xã hội. Một số bức ảnh lựa chọn ngẫu nhiên được chiếu trên màn hình lớn trong sân vận động tổ chức trận tứ kết ở Fortaleza, Salvador, Rio và Brasilia. Mục đích của các hoạt động này vẫn nhằm nâng cao nhận thức, vì chúng tôi tin rằng giáo dục là chìa khóa để chống phân biệt chủng tộc, vốn có ảnh hưởng đến cả xã hội.
- Đáng buồn là chúng ta vẫn chứng kiến nhiều trường hợp phân biệt chủng tộc trên sân cỏ. FIFA sẽ tiếp tục làm gì để xóa bỏ tình trạng này? Tại sao không áp dụng các hình phạt nặng hơn?
- Tại World Cup lần này, Ủy ban Kỷ luật cũng đã ra một vài quyết định về chủ đề này và được bàn luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Có ý kiến cho rằng, các hình phạt của FIFA chưa đủ mạnh?
- Có một danh sách các hình phạt rõ ràng, nhưng điều người ta không hiểu là Ủy ban Kỷ luật - một cơ quan độc lập - chỉ có thể ra quyết định dựa trên bằng chứng hợp pháp và những số liệu rõ ràng. Ai cũng có thể đưa ra ý kiến dựa trên những gì họ thấy trên truyền hình, nhưng Ủy ban Kỷ luật phải có bằng chứng và không thể dựa trên các suy luận chủ quan khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
- Nếu vấn đề là khó tìm bằng chứng, đặc biệt khi đó là hành vi của cổ động viên, tại sao chúng ta không đưa những người thực thi nhiệm vụ kiểm soát các tình huống tiềm ẩn vào sân?
- Cảnh sát chống phân biệt chủng tộc là một trong nhiều sáng kiến ở lĩnh vực giáo dục và hình phạt được Lực lượng đặc nhiệm đề xuất với FIFA. Nó từng được áp dụng tại châu Âu thông qua các quan sát viên độc lập, và FIFA cũng đã thử nghiệm tại một vài trận đấu có nguy cơ cao ở vòng loại World Cup. Tuy nhiên, với một sự kiện như World Cup đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, lựa chọn và đào tạo các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực chống phân biệt từ các quốc gia tham dự, nên không thể áp dụng tại World Cup 2014. Dẫu vậy, Lực lượng đặc nhiệm đã quyết định chuẩn bị các nguồn lực cần thiết cho dự án, bao gồm cả tuyển chọn và đào tạo nhân lực. Dự án này cũng như nhiều sáng kiến khác sẽ tiếp tục được phát triển trong nỗ lực của FIFA nhằm hoàn thiện cơ chế chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá và sẽ được thử nghiệm trong các giải tới.