Du lịch tăng tốc nhưng còn nguyên nỗi lo về nhân lực

Lam Ngọc 01/11/2023 22:06

Ngành du lịch đang dần phục hồi nhưng vẫn chưa thể bứt phá do những nút thắt về nguồn nhân lực.

Đa số nhân lực du lịch từ ngành ngôn ngữ chuyển sang

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm nay, khu vực dịch vụ, du lịch tăng trưởng 6,24%, đóng góp 53,34% trong mức tăng trưởng chung của GDP nền kinh tế. 

Cục Du lịch Quốc gia cho biết, tháng 10.2023, ngành du lịch đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp nước ta đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 10 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt; tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 69% so với năm 2019. Khách du lịch trong nước cũng có xu hướng tăng mạnh, trong 10 tháng, đạt con số 98,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch nội địa và quốc tế trong 10 tháng ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng; doanh thu từ du lịch lữ hành cũng tăng 47,6%; đạt 30,2 nghìn tỷ đồng.

Kết quả này cho thấy nỗ lực vượt khó của ngành du lịch thời gian qua song ngành vẫn chưa thể bứt phá vì còn nhiều khó khăn. Trong đó, mấu chốt là việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, PGS.TS. Vũ Công Thương, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, nhận xét.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Nguyễn Sơn Thủy xác nhận, hiện nay đào tạo nhân sự du lịch còn nhiều bất cập và không phù hợp thực tiễn. Số lượng sinh viên theo học ngành du lịch ít. Bên cạnh đó có tình trạng học trong ngành thì không làm đúng nghề, và đa số nhân lực của ngành du lịch từ ngành ngôn ngữ chuyển sang - cho thấy có sự “lệch hướng” đáng kể.

Tại một hội thảo gần đây về nhân lực du lịch, các diễn giả cảnh báo sự thiếu hụt lớn về số lượng nhân lực du lịch sẽ diễn ra trong một vài năm tới. Bởi lẽ trong suốt 2 năm 2020 - 2021, tác động của dịch Covid-19 khiến cho việc thực hành kỹ năng nghề cho sinh viên du lịch hầu như không triển khai được. Khóa sinh viên tốt nghiệp trong 2 năm 2020, 2021 khó tìm việc làm theo đúng chuyên ngành do các công ty lữ hành, khách sạn đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động. Hơn nữa, giai đoạn 2020 - 2022, công tác tuyển sinh ngành du lịch của các trường cũng bị giảm sút đáng kể, việc không ổn định đầu vào dẫn đến khó đảm bảo đầu ra cho ngành du lịch.

Theo Cục Du lịch quốc gia, số lượng nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch hiện nay chỉ khoảng 350.000 người, đáp ứng 70% nhu cầu. Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất trên 70% thì ngành du lịch cần có khoảng 507.000 lao động trong các cơ sở lưu trú, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 50.000 người. Mỗi năm, ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Tuy vậy hàng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch.

Ngành du lịch chưa thể bứt phá do nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế
Ngành du lịch chưa thể bứt phá do nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế

Tăng hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học

Thời gian qua, ngành du lịch chứng kiến sự tăng trưởng tốt so với các ngành khác bất chấp khó khăn, do đó, ông Thủy cho rằng những nút thắt về nguồn nhân lực cần sớm được giải quyết. Cụ thể là phải có chiến lược tổng thể, định hướng dài hơi; tăng cường phối kết hợp từ học viện, trường đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm với các doanh nghiệp để hỗ trợ một cách bài bản. Các trường đại học, trung cấp thay đổi phương thức giảng dạy, tăng cường thực hành; ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, đào tạo... Ngoài ra, cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực du lịch cần được tiếp tục hoàn thiện; khuyến khích và thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng đang đẩy mạnh Câu lạc bộ nhân sự để đào tạo nguồn nhân lực, định hướng thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án đào tạo lao động. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng về du lịch cho nguồn nhân lực…”, ông Thủy thông tin.

GS.TS. Trương Quang Vinh, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An cho rằng, phát triển nguồn nhân lực cần có những mô hình đào tạo nhân lực dựa trên năng lực và nhu cầu thị trường. Cụ thể là tăng tính liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp bằng cách, các cơ sở đào tạo chủ động tăng cường khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thì tham gia đào tạo như một cách đầu tư và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng do chính mình đào tạo một phần. Sinh viên cũng nâng cao năng lực theo nhu cầu nghề nghiệp và nắm bắt các cơ hội từ sự hợp tác của nhà trường và doanh nghiệp. Từ đó mới mang lại lợi ích cho cả cơ sở đào tạo, sinh viên và doanh nghiệp du lịch.

Theo hướng đi này, mới đây, Saigontourist Group và Trường Đại học Sài Gòn đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 - 2028. Ngay trong năm học 2023 - 2024, hai bên sẽ tổ chức các khóa học thực hành cho 520 sinh viên theo học các chuyên ngành liên quan đến du lịch của Trường Đại học Sài Gòn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Du lịch tăng tốc nhưng còn nguyên nỗi lo về nhân lực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO