Du lịch khảo cổ học
Ý tưởng du lịch khảo cổ học được Ts Barbara Ruschoff Thale, Bảo tàng khảo cổ Westphalian, Đức đưa ra tại một hội thảo mới đây có thể là gợi ý cho ngành du lịch Việt Nam thời gian tới. Tất nhiên, việc khai thác các điểm di tích khảo cổ học phục vụ du lịch cần tính toán thận trọng.
![]() Khách du lịch tham quan Hoàng thành Thăng Long |
Các di tích khảo cổ ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng từ thời tiền sử, sơ sử. Từ miền rừng núi đến vùng trung du và đồng bằng, từ vùng ven biển đến các hải đảo, đâu đâu cũng có các di tích, di vật khảo cổ quý giá. Đa số người Việt, luôn có ý thức tìm về nguồn cội, mong muốn được khám phá những gì thuộc về truyền thống, lịch sử. Du lịch khảo cổ học cũng không xa lạ đối với người Việt Nam. Chỉ ví dụ năm 2010, khi UBND thành phố Hà Nội mở cửa khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long phục vụ khách tham quan, trong tuần đầu tiên, trung bình mỗi ngày khu di sản đón 20.000 - 30.000 lượt người, ngày cao điểm lên đến gần 40.000 lượt người. Con số ấn tượng này cho thấy, người dân không hề thờ ơ với các di tích khảo cổ học, bởi các di chỉ khảo cổ không chỉ có ý nghĩa cho việc nghiên cứu mà còn là địa chỉ hấp dẫn những người đam mê khám phá lịch sử.
Tại hội thảo quốc tế về khảo cổ học Việt Nam tổ chức tại Viện Goethe Hà Nội mới đây, Ts Barbara Ruschoff Thale, Bảo tàng khảo cổ Westphalian, Đức kể: cách đây vài năm, tôi có dịp du lịch đến đất nước các bạn, phải nói rằng đất nước, con người nơi đây, cả hiện tại và trong quá khứ đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Từ đó tôi đã nảy ra ý tưởng, muốn dân chúng Đức tham quan nền văn hóa hàng nghìn năm của các bạn. Ở một góc độ khác, chúng tôi cũng muốn cùng các bạn quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam, đặc biệt phát triển ngành du lịch khảo cổ, được xem là ngành đang có triển vọng ở đây”. Gs Sabine von Schorlemer - Bộ trưởng Giáo dục trên Đại học, Nghiên cứu và Nghệ thuật bang Sachsen cũng cho rằng, triển lãm về khảo cổ học Việt Nam tại Đức sẽ khai màn cho các triển lãm khác sau đó ở Đức, mở ra hướng mới cho ngành du lịch khảo cổ học đang rất cần được nghiên cứu, phát triển ở Việt Nam.
Tuy nhiên, những địa điểm khảo cổ học thường là những cấu trúc từng bị hoang phế được khôi phục; những vết tích đủ các loại (cả ở những di chỉ dưới đất và dưới nước) cũng như các vật liệu văn hóa gắn với các di tích đó; những công trình được khai quật lộ thiên... Đây được xem là nguồn văn hóa mong manh và không tái sinh được. Do đó, việc khai thác sử dụng phục vụ du lịch phải được tính toán thận trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản di tích khảo cổ học. Vấn đề nảy sinh là khách du lịch lại muốn tham quan trực tiếp hiện trường khai quật, muốn được sờ vào hiện vật, do đó dễ làm hư hỏng hiện vật cũng như nền đất của từng giai đoạn lịch sử đã lộ thiên. Ts Barbara Ruschoff Thale chia sẻ: chúng tôi khi triển khai du lịch khảo cổ học đã nghiên cứu rất kỹ vì nó liên quan đến vấn đề bảo tồn tài sản quốc gia, để sau này con cháu chúng tôi không những cũng được chiêm ngưỡng mà còn tiếp tục khai thác di sản này. “Ở Đức có khu khảo cổ học đã tồn tại 2.000 năm vẫn đang được các nhà khảo cổ học, sử học, nhà văn hóa... khai quật, nghiên cứu. Khi chúng tôi đưa khách du lịch đến tham quan, chúng tôi cũng rất lo sợ mọi người sẽ làm hỏng các hiện vật trong đó. Theo tôi, cần xem xét một cách nghiêm túc khi triển khai hình thức du lịch này ở Việt Nam. Có những khu di tích chúng ta có thể đưa khách đến tham quan nhưng ở một vài nơi phải bảo tồn nguyên trạng thì không nên đưa vào khai thác du lịch”.
Theo Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Quốc Hùng, sở dĩ những điểm du lịch truyền thống, đặc biệt là các di chỉ khảo cổ học thời tiền sử thu hút khách tham quan là do có tính đặc thù riêng. Họ đến đó tham quan du lịch cũng là để khám phá, trải nghiệm và nghiên cứu. Chúng ta đang có một khối lượng di chỉ khảo cổ rất đa dạng và phong phú. Có điều phát triển du lịch tại các địa chỉ này lại là bài toán của nhiều người. Lượng khách du lịch tại các địa điểm khảo cổ học nói chung vẫn còn rất ít so với nhiều loại hình du lịch khác như du lịch giải trí, du lịch sinh thái... Chính vì thế, để phát triển loại hình du lịch này cần lựa chọn những điểm di chỉ nổi bật, xây dựng thành tour hoàn chỉnh. Ví dụ, khi đến Thanh Hóa, cùng với việc tắm biển Sầm Sơn, du khách sẽ được giới thiệu di tích thành nhà Hồ, vườn quốc gia Bến Én, di tích Đông Sơn, khu di tích Hàm Rồng...
Ts Chẩn Kiều, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện khảo cổ học Mỹ cho hay: “trên thế giới, du lịch khảo cổ học khá phổ biến, nhất là các nước châu Âu. Khoảng 75% khách du lịch tận dụng các chương trình, địa điểm khảo cổ học để tham quan giải trí. Ở Việt Nam, nên kết hợp 75% du lịch và 25% khảo cổ học thì các tour du lịch sẽ thành công hơn, lượng khách tham gia sẽ nhiều hơn. Với cách làm đó, không chỉ có một ngành có lợi mà nhiều ngành cùng có lợi”.