Du lịch hợp lực bứt phá
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, lĩnh vực du lịch được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương quan tâm, đề xuất nhiều giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong những tháng cuối năm.
Việt Nam đã đón hơn 10,6 triệu lượt khách quốc tế
6 tháng đầu năm, du lịch là lĩnh vực ghi nhận nhiều thành công vượt bậc. Việt Nam đón hơn 10,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 518 nghìn tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Để đạt được kết quả này, ngành đã chủ động triển khai các chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, tích cực tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến và quản lý điểm đến.

Tại các địa phương, nhiều hoạt động liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch được tổ chức. Như Thanh Hóa tổ chức đồng loạt lễ hội du lịch biển tại Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến; tuần văn hóa Thanh Hóa - Hội An. Các địa phương, doanh nghiệp cũng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch thông qua các hội nghị ký kết hợp tác phát triển du lịch.
Tổng lượt khách đến Thanh Hóa đạt 10.541.000 lượt, tăng 7,8 % so với cùng kỳ 2024, trong đó khách quốc tế đạt 308.900 lượt, tăng 18,4 % so với cùng kỳ 2024; tổng thu du lịch đạt 26.507 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, du lịch cũng khởi sắc trong 6 tháng đầu năm với hơn 15,56 triệu lượt khách, trong đó 3,66 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 63.000 tỉ đồng.
"Hà Nội đã phát triển các tour, sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có nhiều tuyến du lịch mới như: tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”, sản phẩm du lịch “Con đường đạo học” tại điểm du lịch Hạ Mỗ (xã Ô Diên), “Sắc hoa Tường Phiêu” (xã Phúc Thọ)…", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết.
Lào Cai cũng có sự phát triển du lịch ấn tượng với hơn 8,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 22.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai Nông Việt Yên cho biết, sau khi sáp nhập, tỉnh kỳ vọng tiếp tục trở thành trung tâm du lịch vùng Tây Bắc, hướng tới mục tiêu đón 16,5 triệu lượt du khách vào năm 2030...
Nâng tầm hình ảnh, kích cầu du lịch
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng biểu dương nỗ lực của ngành du lịch; cho rằng nếu các địa phương cùng quyết tâm, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kết hợp đồng bộ và toàn diện, du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả ấn tượng hơn nữa.

"Tôi đã chủ trì cuộc làm việc với các sở văn hóa, thể thao và du lịch, để tham mưu cho các cấp, ngành vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam. Một không gian mới đang mở ra. Chúng ta sẽ có thêm sản phẩm du lịch, không gian kết nối... Bản đồ du lịch Việt Nam (mới) phải thể hiện rõ tính chiều sâu, có điểm đến và phải tính toán đến yếu tố văn hóa. Qua đó, tạo ra bản đồ du lịch Việt Nam mới trên cơ sở những nét đặc sắc đã có và bảo đảm tính liên kết chặt chẽ, bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch Việt Nam đã tổ chức tốt các tour, tuyến để đón khách. Một số đoàn làm phim nước ngoài đã nghiên cứu các thị trường Hải Phòng, Ninh Bình để kết hợp cộng tác. Việc quảng bá du lịch qua điện ảnh là con đường hữu hiệu. Khi Việt Nam xuất hiện trên các thước phim đẹp, bạn bè quốc tế sẽ ấn tượng và tìm đến nhiều hơn.
.jpg)
Cũng theo Bộ trưởng, ngành du lịch cần thực hiện các giải pháp số hóa để phát triển và quản lý đồng bộ. Nếu không số hóa, thiếu dữ liệu ngành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia thì khó điều hành. Du lịch Việt Nam cũng cần tận dụng các cơ hội để nâng tầm hình ảnh đất nước, con người. Như Lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh sắp tới là cơ hội để kích cầu du lịch, lan tỏa giá trị tốt đẹp của các loại hình truyền thống, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân.
Về phía các địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai Nông Việt Yên kiến nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý ngành. Khi địa bàn, quy mô các địa phương mở rộng, lượng khách tăng nhanh, thì áp lực về đào tạo nhân lực và tổ chức bộ máy xúc tiến, quảng bá ngày càng lớn. Nếu các địa phương và doanh nghiệp làm du lịch không có kế sách bài bản trong đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nguồn lực quan trọng này thì sự tăng trưởng sẽ thiếu tính bền vững.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với chính quyền cấp xã xây dựng thêm các sản phẩm du lịch như: du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch đêm; du lịch golf; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa truyền thống...; tổ chức bài bản các lễ hội, sự kiện văn hóa để quảng bá du lịch.