Du lịch biển đảo - thế mạnh cần ưu tiên phát triển

Thanh Hà 07/05/2011 07:18

Năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011, với chủ đề “Du lịch biển đảo” đã được khai mạc cách đây hơn 1 tháng tại TP Tuy Hòa, Phú Yên. Và mới đây vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, du khách lại được hòa cùng không khí của đêm hội Carnaval Hạ Long 2011, Tuần Văn hóa - du lịch Sầm Sơn 2011 và khai trương du lịch biển Cửa Lò 2011... Tất cả đều hướng đến mục đích quảng bá du lịch biển đảo Việt Nam đến du khách trong nước và quốc tế...

Du lịch biển đảo - thế mạnh cần ưu tiên phát triển ảnh 1
Nguồn: myopera.com

Hướng đột phá của kinh tế biển

Nước ta có hơn 3.200 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch: du lịch biển đảo hiện chiếm khoảng 70% doanh thu cho ngành Du lịch cả nước và được xem là một hướng đột phá để phát triển kinh tế biển và ven biển nước ta lâu dài và bền vững.

Du lịch biển đã và đang mang lại cơ hội phát triển cho nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng du lịch vùng ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Theo thống kê, vùng ven biển nước ta hiện có khoảng 1.400 cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở đây... Du lịch biển phát triển cũng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương vùng ven biển, làm đổi thay bộ mặt nhiều địa phương trước đây còn nghèo khó, kém phát triển. Ước tính có khoảng 60.000 lao động gián tiếp là cư dân địa phương ở những vùng ven biển có phát triển du lịch. Các sản vật địa phương liên quan đến biển cũng theo đó mà phát triển thành thương hiệu, đậm dấu ấn bản sắc văn hóa địa phương cũng góp phần đáng kể vào việc phát triển sản phẩm gắn với các tour du lịch.

Vẫn còn những hạn chế

Hạn chế trước hết chính là sự phát triển không đồng đều về du lịch giữa tỉnh, thành phố. Một số khu vực và điểm du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né... đã trở thành thương hiệu có tiếng trong nước và quốc tế. Tại đây, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tốt, hoàn thiện, cách thức khai thác khá hiệu quả. Còn tại những điểm khác thuộc Trung bộ như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; hay thuộc Nam Trung bộ như: Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi và Bình Định... mặc dù tiềm năng không kém, song vẫn chưa thể thu hút du khách. Có thể thấy rằng điều kiện cơ sở hạ tầng du lịch chưa hoàn thiện chính là rào cản lớn.

Hạn chế tiếp theo là sản phẩm du lịch còn hạn chế. Hầu hết các tỉnh, thành phố này, kể cả những điểm đến đã quen thuộc với du khách quốc tế mới chỉ dừng lại ở khai thác lợi thế thiên nhiên ban tặng nên việc trùng lặp sản phẩm là điều khó tránh khỏi. Việc trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương dẫn đến lãng phí tài nguyên do đó cần có chiến lược, quy hoạch lâu dài để phát triển. Bên cạnh đó, các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, chữa bệnh... gắn với biển còn rất thiếu và yếu, chủ yếu vẫn là nghỉ ngơi, tắm biển, massage. Do đó, khách lưu trú tại đây chưa được dài ngày, chi tiêu không nhiều nên doanh thu từ khách du lịch vẫn còn thấp...

Thực tế, những năm gần đây, một số điểm du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Mũi Né... đã đầu tư và mở thêm các môn thể thao biển như: lướt ván diều, lướt ván buồm, dù bay, lướt sóng, mô tô biển, chèo thuyền kayak; các trò chơi trong các lễ hội truyền thống như: đua thuyền thúng, thi gánh cá, thi đan lưới… Đó là những hoạt động có sức thu hút du khách và là cách quảng bá tốt cho du lịch biển. Tuy nhiên, hiện còn rất ít điểm du lịch khai thác những dịch vụ này.

Sẽ có quy hoạch tổng thể

Du lịch biển Việt Nam đã phát triển hơn, mang lại phần doanh thu nhất định, song sự phát triển vẫn còn mang tính tự phát, sản phẩm còn trùng lặp gây lãng phí tài nguyên du lịch. Hơn nữa, nước ta mới chỉ có một vài thương hiệu du lịch biển đơn lẻ, chưa phải là thương hiệu cấp quốc gia được bạn bè quốc tế biểt đến rộng rãi. Do đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển du lịch giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn 2030 cùng nhiều đề án phát triển du lịch, trong đó có Đề án Phát triển du lịch biển đảo giai đoạn 2011 - 2020, đang được trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Chiến lược quốc gia về phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020 coi du lịch biển là một thế mạnh cần ưu tiên phát triển. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm các nước có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Theo đó, từ nay đến thời điểm năm 2020, Việt Nam hình thành 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Đó là khu vực Hạ Long - Cát Bà; Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An; Nha Trang - Cam Ranh; Phan Thiết - Mũi Né; và khu du lịch Phú Quốc. Bên cạnh đó, một việc hết sức quan trọng khác là nghiên cứu để định hướng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch biển; tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù ven biển như du lịch tham quan kết hợp với du lịch sinh thái; du lịch di sản gắn với nghỉ dưỡng, thể thao biển cùng nhiều sản phẩm phụ trợ khác.

Năm du lịch quốc gia 2011 với chủ đề “Du lịch biển, đảo”, cùng với những việc tổ chức: Canaval Hạ Long, năm du lịch Sầm Sơn và khai hội du lịch biển Cửa Lò... chính là chuỗi hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh cũng như thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch biển nói riêng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Du lịch biển đảo - thế mạnh cần ưu tiên phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO