Dự kiến mức phụ cấp ưu đãi theo nghề của viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, đề xuất phụ cấp với mức từ 30 - 70% tùy từng nhóm đối tượng.
Bộ Y tế cho biết, sau một thời gian dài thực hiện, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đã có một số bất cập.
Sau hơn 14 năm, mô hình bệnh tật của Việt Nam có nhiều thay đổi, các dịch bệnh mới nổi xuất hiện, diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng; thách thức đối với y tế dự phòng là rất lớn, tuy nhiên, y tế dự phòng vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập, thay thế Nghị định số 56, để phù hợp với thực tế về điều kiện kinh tế, mặt bằng thu nhập bình quân của người lao động.
Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động ngành Y tế tương xứng với vị trí việc làm, nhằm thu hút, duy trì, bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn y tế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, trong lĩnh vực y tế dự phòng, giảm thiểu tình trạng viên chức y tế bỏ việc, thôi việc.
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng cao của nhân dân; tăng khả năng tiếp cận và tạo sự bình đẳng trong việc sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Bộ Y tế đề xuất Nghị định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với các nhóm với mức độ như sau:
Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với:
a) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
- Khám, điều trị, xét nghiệm, chăm sóc, phục vụ người mắc bệnh phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh hồi sức tích cực;
- Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý, bảo quản trông nom xác;
- Làm việc trong phòng xét nghiệm yêu cầu an toàn sinh học cấp III;
- Giám sát phòng, chống HIV/AIDS;
- Khám, xét nghiệm, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện.
b) Viên chức làm chuyên môn y tế tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; huyện đảo, xã đảo thuộc khu vực biển đảo.
c) Bác sĩ làm việc tại các xã khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với:
a) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
- Khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người mắc bệnh truyền nhiễm (trừ bệnh truyền nhiễm nhóm A); người bệnh cấp cứu (kể cả cấp cứu ngoại viện); chống độc; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; thương binh, bệnh binh;
- Xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, độc chất;
- Kiểm định kháng huyết thanh dại, uốn ván và nọc rắn;
- Xạ trị; hóa trị; sinh học phân tử; y học hạt nhân; pha chế, chia liều dược chất phóng xạ, thuốc điều trị ung thư;
- Kiểm dịch y tế biên giới;
- Giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm.
b) Bác sĩ làm việc tại các trạm y tế xã, phường; trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các viện y tế dự phòng.
Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với:
a) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau: Khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nhi, bỏng, da liễu, kiểm soát nhiễm khuẩn; dược lâm sàng.
b) Viên chức làm chuyên môn y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các viện y tế dự phòng và các cơ sở điều trị nghiện chất.
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với:
a) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
- Xét nghiệm; khám bệnh; chữa bệnh; chăm sóc, phục vụ người bệnh, phục hồi chức năng; thăm dò chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; sản xuất, pha chế thuốc hóa dược; bảo quản, cấp phát thuốc và nguyên liệu làm thuốc; kiểm định, kiểm nghiệm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, hóa chất thông thường, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm, dinh dưỡng; sử dụng, vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản; y tế lao động, vệ sinh môi trường; y tế dự phòng; trợ giúp xã hội (trừ các trường hợp quy định tại (1), (2) và (3) nêu trên);
- Dân số;
- Công tác xã hội.
b) Viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở chuyên khoa về các lĩnh vực: bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y, pháp y tâm thần; cấp cứu ngoại viện.
Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với:
a) Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
- Truyền thông giáo dục sức khỏe;
- Làm chuyên môn y tế tại các cơ quan, đơn vị, trường học.
b) Viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung.
Dự thảo nêu rõ, đối với người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ được phân công trực tiếp làm các công việc đã nêu trên thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu sự nghiệp để xem xét, quyết định cho hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề nhưng không vượt quá mức quy định tại các mục tương ứng nêu trên.
Bộ Y tế ước tính tổng số kinh phí dự kiến để thực hiện chính sách này khoảng 357 tỷ đồng/tháng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng thiếu hụt nhân lực đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và vùng sâu vùng xa. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ y tế vẫn chưa có chuyển biến rõ ràng, thậm chí nhiều khoản phụ cấp còn quá thấp so với mặt bằng chung hiện nay. Theo đó:
Phụ cấp trực theo quy định hiện hành chỉ từ 18.000 – 26.000 đồng/ca.
Phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật: chỉ từ 40.000 đồng với thủ thuật loại I đến tối đa 150.000 đồng với ca đại phẫu thuật loại đặc biệt.
Hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn, bản: tối đa 0,3 lần mức lương cơ sở – tương đương hơn 400.000 đồng/tháng, trong khi họ phải thường xuyên đi bộ hàng chục cây số, làm việc trong điều kiện thiếu thốn, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.