Giáo dục

Dự kiến bổ sung chương trình trung học nghề trong giáo dục nghề nghiệp

Tin: Nhật Linh; Ảnh: Trần Hiệp 09/07/2025 19:24

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) gồm 9 Chương, 50 Điều. Trong đó, bổ sung chương trình trung học nghề và mô hình trường trung học nghề là cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sáng 9/7, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã họp góp ý dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp chủ trì phiên họp.

IMG_3638 (1)
Phiên họp của Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, góp ý dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) nhằm quy phạm hóa 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng trong thời gian gần đây.

Quan điểm xây dựng dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) là tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với Hiến pháp và tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa.

img_4242.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp chủ trì phiên họp

Bên cạnh đó, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Điều chỉnh các vấn đề về giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất. Quy định một số chính sách mới nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

Bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những điều có nội dung không còn phù hợp, đang tạo những điểm nghẽn; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thiết thực thông qua việc lựa chọn sửa đổi, bổ sung những nội dung để giải quyết các “nút thắt” trong thực hiện đổi mới giáo dục nghề nghiệp và huy động được nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.

img_4194.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) gồm 9 Chương, 50 Điều. Đáng chú ý, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục nghề nghiệp, dự thảo Luật bổ sung chương trình trung học nghề và mô hình trường trung học nghề là cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Điều 3, dự thảo Luật, chương trình đào tạo trình độ trung học nghề để cấp bằng trung học nghề cho người đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở. Bằng trung học nghề có giá trị sử dụng như bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chương trình trung học nghề tích hợp giữa kiến thức cốt lõi của chương trình trung học phổ thông và chuyên môn nghề, bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

img_3897.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, quan tâm đến tổ chức Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho rằng phải bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật

Dự thảo Luật cũng bổ sung cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang, cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật được tham gia đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; công nhận kết quả học tập, năng lực nghề nghiệp đã tích lũy; vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu; chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo, hệ thống bảo đảm chất lượng; hoạt động hợp tác đầu tư của cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam ở nước ngoài…

Tại phiên họp, các Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy viên Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp; đại diện một số cơ quan, ban, ngành trung ương; các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chuyên gia, nhà khoa học cơ bản thống nhất với bố cục của dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), đánh giá có nhiều quy định mang tính đột phá đối với lĩnh vực này.

img_3738.jpg
Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nên quy định quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp hình thành xưởng sản xuất, dịch vụ trong trường

Đa số ý kiến đồng ý với việc bổ sung chương trình trung học nghề và mô hình trường trung học nghề là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho đây là quy định có thể giải quyết nút thắt trong thực hiện phân luồng sau THCS và liên thông trong giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cân nhắc quy định “Bằng trung học nghề có giá trị sử dụng như bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Thay vào đó, nên quy định “Bằng Trung học nghề được xem là tương đương với bằng tốt nghiệp THPT”, bởi bản chất trung học nghề và trung học phổ thông khác nhau (về mục tiêu, chương trình…), không thể đồng nhất. Tương tự là quy định “chương trình trung học nghề được xem là tương đương với chương trình trung học phổ thông”.

img_3998.jpg
PGS.TS. Đào Đăng Phượng làm Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, cho rằng quy định về giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu sẽ giúp giải bài toán thiếu giảng viên, giáo viên ngành nghệ thuật

Quy định về giảng viên, giáo viên đồng cơ hữu cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đây là người được tuyển dụng ở một cơ quan, đơn vị không phải nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, được cơ sở giáo dục nghề nghiệp bổ nhiệm để đảm nhiệm chức danh giảng dạy các ngành, nghề chuyên môn đặc thù nếu đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Cho rằng quy định này sẽ giúp giải bài toán thiếu giảng viên, giáo viên những ngành như nghệ thuật, y…; khuyến khích hợp tác nhà trường - viện nghiên cứu - doanh nghiệp, song các đại biểu cũng cho rằng, phải quy định trình độ cụ thể để bảo đảm chất lượng đào tạo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự kiến bổ sung chương trình trung học nghề trong giáo dục nghề nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO