Dù kê - nghệ thuật sân khấu đặc sắc của đồng bào Khmer
Với sự kết hợp ca hát, âm nhạc, đối thoại, diễn xuất dân gian… nghệ thuật dù kê là loại hình biểu diễn sân khấu đặc sắc được người Khmer Nam bộ sáng tạo, lưu giữ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào cho đến ngày nay.
Nghệ thuật sân khấu độc đáo của người Khmer
Đồng bào Khmer Nam bộ trong quá trình lao động, sản xuất, dựng xây cuộc sống đã sáng tạo ra kho tàng văn học, nghệ thuật vô cùng phong phú, độc đáo, trong đó có nghệ thuật sân khấu kịch hát dù kê. Dù hiện nay nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc vẫn có ý kiến khác nhau về người sáng lập cũng như nơi khai sinh của nghệ thuật dù kê Khmer Nam Bộ, song có thể khẳng định, nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời xuất phát từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào Khmer ở Nam bộ những năm đầu thế kỷ XX.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Huỳnh Ngọc Trảng, nghệ thuật sân khấu dù kê ra đời khoảng thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX. Ban đầu, các nghệ nhân, diễn viên nghệ thuật dù kê tập luyện và biểu diễn trong môi trường thiên nhiên, lấy mặt đất làm sân khấu, lấy lá cây, nhánh cây che tạm, dựng liều trại, phong cảnh như cái giàn bầu nên người dân gọi là “sân khấu giàn bầu” (Lo - khôn Trơn Khlốk). Từ năm 1930, sân khấu dù kê Khmer Nam bộ không ngừng bổ sung yếu tố mới để ngày càng hoàn thiện mình.
Loại hình sân khấu này ra đời trên cơ sở kế thừa những nghệ thuật đã có trước đó như rô băm và chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai loại hình sân khấu là tuồng cổ của người Hoa và cải lương của người Kinh. Vì vậy, nhiều người so sánh nghệ thuật dù kê tương tự như sân khấu cải lương Nam bộ. Dù kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc. Vở diễn dù kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer và còn có cả những vở diễn dựa trên cốt truyện của một số vở cải lương, truyện cổ dân gian... thường có nội dung giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng chuyển tải ý nghĩa giáo dục.
Dù kê thường được biểu diễn tại những ngôi chùa Khmer trong dịp lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta, lễ Ok Om Bok… hay trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng. Những nhân vật của các vở diễn xuất hiện trong trang phục lộng lẫy, với động tác múa uốn cong từ đôi tay kỳ diệu của nghệ sĩ đã trở nên quen thuộc với mỗi người Khmer.
Nhà nghiên cứu về văn hóa Khmer, TS. Trương Thu Trang, Trường Đại học Bạc Liêu, nhận định, nghệ thuật sân khấu dù kê là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer Nam bộ. Nghệ thuật này không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, thưởng thức văn nghệ của người dân mà còn là "chất keo" kết nối cộng đồng.
Để dù kê sống trong cộng đồng
Từ khi ra đời, hình thành và phát triển, sân khấu dù kê đã trải qua những bước thăng trầm, vượt qua những cam go, thử thách để tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, số nghệ nhân, nghệ sĩ người Khmer giỏi, tinh thông nghệ thuật hiện còn lại rất ít, trong khi lớp kế cận thưa dần, khán giả trẻ không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tại Sóc Trăng có các đoàn nghệ thuật quần chúng của 3 huyện là: Đoàn Nghệ thuật Ron Ron, xã Phú Tân, huyện Châu Thành; Đoàn Nghệ thuật Tân Nguyệt Quang, xã Viên An, huyện Trần Đề và Đoàn Nghệ thuật Ánh Bình Minh, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên; và Đoàn Nghệ thuật Khmer thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại Cà Mau, hiện có Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau và Câu lạc bộ Nhạc trống lớn ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình vẫn còn tập thường xuyên và đi biểu diễn vào các dịp lễ. Tại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, mỗi tỉnh cũng chỉ còn một vài đoàn nghệ thuật lưu giữ, duy trì biểu diễn nghệ thuật dù kê.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật dù kê, các chuyên gia cho rằng, cần tiến hành nghiên cứu, điều tra, sưu tầm, thu thập và bảo vệ di sản đặc sắc này qua sách vở, hình ảnh, băng hình, băng tiếng… được lưu giữ ở các kho lưu trữ, bảo tàng. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ và phát triển, trao truyền nghệ thuật dù kê. Quan trọng hơn, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này ngay chính trong cộng đồng bằng cách nuôi dưỡng và phát huy nó trong đời sống xã hội.
Từ đó, cũng có thể xây dựng các tour du lịch tham quan những ngôi chùa Khmer cổ kính, thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào, kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê... Đặt loại hình nghệ thuật này ngay trong không gian mở với những phum sóc, có như vậy, du khách mới có thể cảm nhận hết cái đặc sắc và ý nghĩa của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của đồng bào Khmer.
Thời gian qua, một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn nghệ thuật dù kê và từng bước gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Chẳng hạn, UBND Kiên Giang có Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 17.5.2022 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nghệ thuật dù kê. Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sân khấu dù kê trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016 - 2020), xây dựng không gian biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê thành sản phẩm du lịch tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh…
Việc quan tâm bảo tồn, phát huy nghệ thuật dù kê gắn với hoạt động du lịch được kỳ vọng sẽ quảng bá rộng rãi nghệ thuật dù kê, từ đó khơi gợi niềm tự hào và tác động tích cực trở lại để cộng đồng gìn giữ môn nghệ thuật độc đáo này.