Dư địa phát triển

- Thứ Tư, 13/01/2021, 07:01 - Chia sẻ
“Tư duy cũ” vẫn thấp thoáng trong hoạt động hoạch định chính sách là một đề mục đáng chú ý được đề cập trong Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng qua, 12.1.

Một thực tế không thể phủ nhận trong những năm gần đây là hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh đã ngày càng thông thoáng, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIV đến nay, các luật cơ bản về đầu tư kinh doanh đã được Quốc hội ban hành, kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận và mở rộng trong Hiến pháp năm 2013. Các điều khoản có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp trong các dự luật cũng được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội kiểm soát sát sao hơn thông qua việc xem xét kỹ lưỡng, thận trọng báo cáo đánh giá tác động chính sách, tác động về chi phí, thủ tục hành chính, tính công khai, minh bạch và khả thi. Chính phủ cũng liên tục đốc thúc việc rà soát và quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính, các chi phí cho doanh nghiệp. Đó cũng là động lực và áp lực buộc các nhà soạn thảo chính sách phải thay đổi tư duy trong việc xây dựng, soạn thảo chính sách, quy định mới để bảo đảm đúng tinh thần “tự do kinh doanh”. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

Về cơ bản, các văn bản pháp luật về kinh doanh được soạn thảo và/hoặc ban hành trong năm 2020 đã thể hiện được đúng hướng về tinh thần cải cách, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra và theo đuổi trong suốt thời gian qua. Ghi nhận điều này, Báo cáo của VCCI cũng chỉ rõ: “Trong năm 2020, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ” - áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết, chưa tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp dân doanh hoạt động hay thủ tục hành chính chưa minh bạch”.

Minh họa cho nhận định trên đây, Báo cáo của VCCI nêu một số ví dụ điển hình như: dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn - bên cạnh cơ chế quản lý theo hoạt động như Nghị định hiện hành - đã bổ sung cơ chế quản lý theo chủ thể kinh doanh bằng cách bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh của các chủ thể cung cấp dịch vụ này. Quy định này được đánh giá là chặt chẽ quá mức cần thiết và không phục vụ gì cho mục tiêu quản lý trong khi sẽ tạo rào cản đáng kể cho các chủ thể muốn kinh doanh trong lĩnh vực này.

Hay trong lĩnh vực giao thông cũng có xu hướng thắt chặt hơn biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải khi dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung một điều kiện khá quan trọng đối với lái xe kinh doanh vận tải: bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) thì người lái xe còn phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Quy định này cũng từng được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là bất hợp lý bởi sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục, chi phí cho lái xe hoặc doanh nghiệp vận tải.

Một hiện tượng khác cũng vẫn còn “thấp thoáng” trong tư duy quản lý của các nhà soạn thảo chính sách là việc sử dụng các biện pháp có tính chất can thiệp vào thị trường và trong một số lĩnh vực lẽ ra Nhà nước cần “mở” hơn nữa cho khu vực tư nhân thì lại vẫn có những dự thảo chính sách quy định theo hướng “đóng”.

Những ví dụ như vậy mới chỉ là vài lát cắt cụ thể được “khoanh” lại trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020. Thực tế cho thấy, dù đã có những thay đổi, thậm chí, nhiều cơ quan đã đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, tư duy hoạch định chính sách, nhưng vẫn còn những cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp hoặc cũng có thể là chưa bị áp lực đến mức phải thay đổi để theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Cần nói thêm rằng, khoảng cách từ cách “tư duy cũ” trong quản lý, hoạch định chính sách đến các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thậm chí là cố tình cài cắm các nội dung để nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân, để bảo vệ các lợi ích cục bộ là rất gần. Điều này, dù ít, cũng sẽ trì hoãn những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thông điệp của Chính phủ trong Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 là: cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục bởi nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau. 

Khi cả bộ máy cùng hành động với tư duy cải cách mạnh mẽ thì chắc chắn sẽ tạo ra dư địa phát triển rất lớn. Muốn vậy, phải tạo ra áp lực và động lực đủ lớn để xóa cho được tình trạng "tư duy cũ" trong quản lý và hoạch định chính sách.    

Hải Lam