Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Đủ cơ sở khoa học và thực tiễn

- Thứ Hai, 16/11/2020, 05:50 - Chia sẻ
Theo chương trình, hôm nay, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua. Trước thời điểm này, Chính phủ đã bổ sung báo cáo giải trình, thuyết minh cặn kẽ cơ sở khoa học, thực tiễn và điều kiện thực hiện của một số chính sách còn gây băn khoăn.

Cần thiết xét nghiệm HIV cho trẻ em từ đủ 15 tuổi

Khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật này, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ cơ sở khoa học của đề xuất quy định giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi như hiện nay, xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Dù đây chỉ là một số ý kiến, song Chính phủ đã xây dựng Báo cáo số 588 tiếp thu, giải trình ý kiến Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề Xã hội và của ĐBQH về dự án Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Trong Báo cáo này, Chính phủ nêu rõ, trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và quan hệ tình dục sớm. Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ngày càng gia tăng nhanh. Qua thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, tình hình lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, khi số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15 - 16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Trong khi đó, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm do trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV vì có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.

Chính phủ cũng nêu rõ, quy định ở độ tuổi này cũng bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Cụ thể, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự quy định “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đối với các giao dịch cơ bản. Luật HIV/AIDS 2018 của Philippines quy định “Người từ đủ 14 tuổi” được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV. Luật HIV/AIDS 2003 của Papua New Guinea quy định “người từ đủ 12 tuổi được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV”.

Chính phủ nhận thấy, việc chỉnh lý khoản 2 Điều 27 Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện hành nhằm tăng thêm quyền cho trẻ được tiếp cận sớm với dịch vụ xét nghiệm HIV, đồng thời tăng quyền được tiếp cận dịch vụ điều trị sớm cho trẻ, giúp người từ đủ 15 tuổi có quyền được tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV.

Từ các số liệu, cơ sở khoa học chứng minh sự cần thiết xét nghiệm HIV cho trẻ em từ đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ, người giám hộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật được Chính phủ trình ra. Tuy nhiên, để không hạn chế quyền của trẻ em, khoản 2 và khoản 3 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ: Người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV; việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Giữ chính sách phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí

Để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện hành đã quy định miễn phí chi phí xét nghiệm HIV với phụ nữ mang thai muốn tự nguyện thực hiện biện pháp này. Khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Chính phủ tiếp tục đề nghị giữ lại chính sách này, chỉ sửa đổi quy định để tăng tính khả thi của Luật. Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đưa ra vấn đề: Quy định Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ chi trả đối với người có thẻ BHYT xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn, trong khi các đối tượng không có thẻ BHYT được xét nghiệm miễn phí (không ràng buộc điều kiện) thì có bảo đảm tính hợp lý và công bằng? Thảo luận về dự án Luật này, một số ĐBQH cũng đề nghị báo cáo về nguồn lực thực hiện chính sách xét nghiệm miễn phí HIV với người mang thai.

Tại Báo cáo 588, Chính phủ nêu rõ, nếu người mẹ nhiễm HIV không được xét nghiệm và điều trị thuốc ARV sớm thì có khoảng 30 - 45% trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Nếu người mẹ nhiễm HIV được phát hiện, điều trị thuốc ARV sớm thì tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ giảm xuống chỉ còn là 0,5% (99,5% trẻ sinh ra sẽ không bị nhiễm HIV từ mẹ) có nghĩa là trong 100 người mẹ mang thai nhiễm HIV chỉ có một trẻ bị lây truyền từ mẹ.

Mặt khác, Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện hành chỉ quy định miễn phí chi phí xét nghiệm, song chưa quy định rõ nguồn từ ngân sách nhà nước bảo đảm hay nguồn khác (tài trợ, bảo hiểm y tế...). Khi người mẹ xét nghiệm tại cơ sở y tế cả công và tư thì đa số vẫn phải trả tiền do chưa có cơ chế để Nhà nước chi trả cho cơ sở y tế, một số đối tượng được miễn phí thì chủ yếu theo các chương trình, dự án viện trợ. Nói cách khác, chính sách này tại Luật hiện hành chưa khả thi, chưa bảo đảm miễn phí đầy đủ cho phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV trên thực tế.

Chính phủ cũng khẳng định có thể cân đối đủ kinh phí thực hiện chính sách này. Lý do bởi, hiện nay 90% dân số có thẻ BHYT nên cơ bản bảo đảm bao phủ để thực hiện chính sách cho khoảng 1,44 triệu phụ nữ mang thai đã mua BHYT. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi trả cho khoản 10% phụ nữ mang thai không có thẻ BHYT hết khoảng 17,2 tỷ đồng mỗi năm và một lượng kinh phí không lớn cho phần chi phí Quỹ BHYT không thanh toán. Đặc biệt, với phần trích từ kinh phí chung chi cho HIV/AIDS hiện hành, phân bổ thêm từ nguồn ngân sách y tế dành 30% cho y tế dự phòng theo Nghị quyết 18 của Quốc hội về chính sách xã hội hóa y tế và tăng nguồn chi từ ngân sách địa phương sẽ cơ bản cân đối đủ kinh phí.

Từ những thông tin, số liệu được cung cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, vẫn giữ quy định về việc miễn phí xét nghiệm HIV tại dự thảo Luật, nhưng quy định rõ việc xét nghiệm sẽ thực hiện theo chỉ định chuyên môn. Nguồn chi trả được quy định rõ từ BHYT đối với người có thẻ BHYT và do ngân sách nhà nước bảo đảm với người không có thẻ BHYT. Việc bảo đảm chi phí xét nghiệm cho người không có thẻ BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm, nhưng theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết phương thức chi trả để bảo đảm tất cả phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, qua đó chẩn đoán tình trạng nhiễm HIV, ngăn ngừa nguy cơ lây từ mẹ sang con.

Như vậy, hai chính sách tại dự án Luật đều đã được cung cấp thông tin, số liệu để chứng minh cơ sở khoa học và thực tiễn của mỗi chính sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền con người và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Thanh Hải