Dư chấn của động đất
Thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân tại Nhật Bản có nguy cơ đưa đến những cơn sốt hiệu ứng. Đó có thể là cơn sốt khí đốt, than đá, và nhiều khả năng là hàng điện tử - đứa con tinh thần của một Nhật Bản nổi tiếng về công nghệ. Động đất đang và sẽ còn để lại dư chấn trên các thị trường.
|
Người ta đã nghĩ tới khí đốt tự nhiên với ưu thế là rẻ và nhiều để bù đắp sự thiếu hụt về điện của thế giới do việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Khả năng này đã được nghĩ tới vì ngay sau sự cố hạt nhân tại Nhật Bản, không ít nước đã tuyên bố sẽ xem xét lại chương trình hạt nhân của nước mình. Một điều khá chắc chắn là sự phát triển của năng lượng hạt nhân sẽ bị hạn chế trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, như vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân đảo Three Mile năm 1979 và vụ Chernobyl năm 1986. Tại Mỹ, không có nhà máy điện hạt nhân mới nào được xây dựng trong 30 năm qua.
Tuy nhiên, thế giới không lo thiếu năng lượng vì khí đốt giá rẻ đang tràn ngập các thị trường. Cho đến cuối năm 2008, khí đốt vẫn được coi là một mặt hàng ngày càng hiếm, và giá khí đốt nói chung luôn tăng theo giá dầu. Sau đó, thế giới đã phát hiện ra khí đốt đá phiến. Nhờ khí đốt đá phiến, sản lượng khí đốt của Mỹ hiện đang đạt mức cao nhất kể từ năm 1973 và người ta gọi khí đốt đá phiến là một “cuộc cách mạng năng lượng”.
Tại Mỹ có hàng chục nghìn giếng khí đốt đá phiến đang được khai thác, làm tăng đáng kể sản lượng khí đốt và biến Mỹ trở thành quốc gia sản xuất khí đốt lớn thứ ba thế giới. Canađa cũng đang tham gia vào cuộc chơi khí đốt đá phiến, với việc các tập đoàn Encana và Talisman Energy đang tích cực đầu tư vào khai thác nguồn tài nguyên này cả ở trong nước lẫn quốc tế. Một con số ước tính cho biết, trữ lượng khí đốt đá phiến tại Bắc Mỹ đủ khai thác trong 100 năm.
Đến nay, người ta vẫn coi khí đốt tự nhiên là biện pháp tối ưu, với khả năng cạnh tranh mạnh về kinh tế (giá rẻ, cơ sở hạ tầng không cần cầu kỳ). Nhưng sự cố hạt nhân tại Nhật Bản sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên và đẩy mức giá của nó lên cao. Vậy thì giá than cũng vậy. Tuy không kinh tế bằng khí đốt tự nhiên, nhưng nó cũng có thể là nguồn nhiên liệu thay thế trong thời buổi khủng hoảng điện hạt nhân. Đó là chưa kể tác nhân Nhật Bản là nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới, với nhiều nhà máy điện sử dụng than. Do vậy, biến động về mức cầu của Nhật Bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường than thế giới.
Hiện, nhu cầu về than giảm tại Nhật Bản, Trung Quốc (nơi giá than nội địa đang thấp) khiến giá than trong khu vực giảm. Tuy nhiên, sau khi giảm tạm thời, nhu cầu nhập khẩu than để sản xuất điện ở Nhật Bản sẽ tăng lên để bù đắp cho các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa. Theo giới giao dịch, nhu cầu nhập khẩu than của Nhật Bản sẽ tăng khoảng 500 nghìn tấn/tháng so với 10 triệu tấn/tháng hiện nay. Các cuộc thương thảo hợp đồng nhập khẩu than cho năm 2011 - 2012 ở châu Á, với hạn chót vào ngày 1.4 tới, hiện đều đã bị hoãn lại. Song, khi chúng được tái khởi động trong vài tuần tới, giá than sẽ không dừng lại ở mức 125 USD/tấn của năm 2008 - 2009. Trước khi xảy ra thảm họa ở Nhật Bản, các nhà giao dịch đã nhận được đề nghị mua với giá 140 - 145 USD/tấn, trong đó các nhà máy điện của Nhật Bản ra giá khoảng 130 USD/tấn. Sau thảm họa, người ta dự đoán thị trường hàng hóa sẽ trở lại với sự thống trị của than như là “Vua của các loại nguyên liệu thô”.
Một thị trường có thể dự đoán chắc chắn nữa là giá hàng điện tử tiêu dùng như máy tính, điện thoại di động và đầu đĩa DVD trên thế giới sẽ tăng do nguồn cung linh kiện bị gián đoạn sau thảm họa tại Nhật Bản. Ngày càng có nhiều công ty sản xuất hàng điện tử, sắt thép và ô tô ở Nhật Bản phải ngừng sản xuất, làm dấy lên nguy cơ thiếu hụt sản phẩm ở các thị trường châu Âu và Mỹ. Hiện đã có những dấu hiệu tăng giá đối với các mặt hàng chip xử lý và màn hình điện tử dành cho máy tính và trò chơi điện tử.
Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo kỹ thuật, các công ty sản xuất xe hơi của Nhật Bản rất chú trọng chính sách “vừa đủ”, theo đó nguồn cung ứng được giữ ở mức tối thiểu. Toyota cho biết nhà máy của hãng ở Burnaston sẽ chỉ hoạt động được 6 tuần nếu như nguồn thiết bị đầu vào bị gián đoạn. Các công ty xuất khẩu của Nhật Bản còn phải đối mặt với một loạt khó khăn khác sau thiên tai, như thiếu điện và hạ tầng giao thông bị phá hủy (ít nhất 6 hải cảng ở phía Bắc nước này đã bị tàn phá). Rõ ràng, hiệu ứng động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân sẽ không chỉ dừng lại ở Nhật Bản.