Những ngày cuối năm, họa sĩ Bùi Thị Hải Dương hoàn thành tác phẩm Kỷ nguyên vươn mình, đón chào năm mới Ất Tỵ 2025. Họa sĩ chia sẻ, tác phẩm mang dự cảm tốt lành về nguồn năng lượng mới. Dấu mốc quan trọng trên hành trình phát triển của đất nước, dân tộc, linh vật con giáp trong năm 2025 đã truyền cảm hứng cho họa sĩ thực hiện bức tranh.
“Theo quan niệm của người Á Đông, năm Ất Tỵ là năm rắn xanh và sẽ là năm tốt nhất trong những năm con rắn. Theo quy luật của tứ trụ hay bát tự, rắn xanh là điềm lành. Việc con rắn lột da để tiếp tục phát triển cũng được ví với sự phát triển, luôn tiến về tương lai phía trước. Qua tác phẩm, tôi gửi niềm hy vọng và tin tưởng rằng năm 2025 sẽ là một năm ghi dấu sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của đất nước và con người Việt Nam hùng cường”, họa sĩ Bùi Hải Dương chia sẻ.
Cảm tác về dân tộc, đất nước xuyên suốt nhiều tác phẩm của họa sĩ Bùi Thị Hải Dương. Họa sĩ chọn lối vẽ tự biểu hiện và bút pháp phóng khoáng không lệ thuộc để thể hiện xúc cảm, lan tỏa năng lượng tích cực đến người xem qua từng tác phẩm.
Họa sĩ cho biết, mình luôn hướng đến sự tích cực, thích tìm đến những nơi thiên nhiên hoang sơ, những vùng đất bình yên, nơi con người tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và bao dung… “Những giá trị ấy cho tôi nhiều cảm xúc, nhiệt huyết sáng tạo nghệ thuật”.
Công tác tại Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an, Bùi Thị Hải Dương có cơ duyên đi nhiều vùng đất nước. Kỷ niệm đáng nhớ là có lần trong một chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị, cùng đoàn đến thắp hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ hai bên bờ sông Thạch Hãn.
Đứng bên dòng sông lịch sử hào hùng, trong lòng chị đầy tự hào và biết ơn, tự hào vì được sinh ra, lớn lên trên dải đất hình chữ S kiên cường, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giữ trọn hòa bình, độc lập… Những cảm xúc ấy cứ thôi thúc, để rồi khi trở về, họa sĩ sáng tác bộ tranh Âm thanh của gió.
Hay kỷ niệm một ngày cuối thu đầu đông, Bùi Thị Hải Dương xem bộ phim Đừng đốt của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh dựa trên quyển nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Từ đây, bức tranh Đừng đốt ra đời.
Nhìn lại hành trình mỹ thuật, Bùi Thị Hải Dương nhận ra trong các tác phẩm của mình dường như luôn hiện hữu bóng hình dân tộc, từ chất liệu vật lý đến nguồn xúc cảm trong sâu thẳm tâm hồn.
“Tôi như nghe tiếng từ thuở xưa vang vọng, thôi thúc mình đưa những câu chuyện, thả hồn xúc cảm vào tác phẩm. Tôi chọn thể hiện điều đó bằng màu nước trên chất liệu giấy dó. Bên cạnh sự bền, khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, giấy dó còn chống mối mọt, ẩm mốc ngay cả khi ở trong môi trường ẩm ướt. Điều ấy cộng hưởng với thông điệp mà tôi ngầm ẩn trong các tác phẩm, về ý chí kiên cường, không chịu khuất phục của người dân Việt Nam. Tôi tin giống như đặc tính của giấy dó truyền thống, tinh thần dân tộc từ xa xưa sẽ trường tồn”, Thiếu tá, họa sĩ Bùi Thị Hải Dương chia sẻ.