Nền kinh tế Trung Quốc rơi vào thời kỳ giảm phát dài nhất kể từ năm 1999 đến nay. Với tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư sản xuất liên tục vượt xa mức tiêu dùng của các hộ gia đình, khiến cho sự mất cân bằng càng trở nên sâu sắc hơn. Nguồn cung hàng hóa dư thừa trong nước đã buộc các nhà xuất khẩu phải giảm giá, làm giảm biên lợi nhuận nhưng cũng làm gia tăng các tranh chấp thương mại.
Bước sang năm 2025, Trung Quốc phải đối mặt hai thách thức mới, đó là sự trở lại của ông Donald Trump và những dấu hiệu gia tăng căng thẳng xã hội sẽ thử thách quyết tâm của Bắc Kinh. Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình gần như đã tuyên bố đạt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" trong năm 2024, tuy nhiên triển vọng cho năm 2025 lại khá ảm đạm.
Đối mặt với những thách thức cũ và mới, tờ Nikkei Asia đã đưa ra những “điểm nóng” cần theo dõi về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay.
Tác động từ chính sách thuế của Mỹ sẽ như thế nào?
Câu trả lời phụ thuộc vào thời điểm và phạm vi kế hoạch áp thuế mới đối với hơn 500 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của tân tổng thống Mỹ. Ngay khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thêm 10% nếu Bắc Kinh không kiểm soát tình trạng buôn lậu chất gây nghiện vào Mỹ. Trước đó, ông cũng đã đe dọa sẽ áp thêm thuế lên tới 60% đối với Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự đoán khác nhau. Với kịch bản cực đoan nhất, Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 60% ngay từ nửa đầu năm 2025, làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc xuống còn 3,9%, theo các nhà phân tích của J.P. Morgan. Trong khi đó, Goldman Sachs dự kiến mức tăng thuế 20% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm giảm 0,7 điểm % so với mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc, đưa mức tăng trưởng này xuống còn 4,5% trong năm nay.
Một số ý kiến khác đưa ra quan điểm ít bi quan hơn, cho rằng Trung Quốc có thể giảm bớt cú sốc một phần bằng cách phá giá đồng tiền của mình, trong khi nhiều nhà sản xuất Trung Quốc có thể né tránh thuế quan bằng cách chuyển hướng xuất khẩu qua các nước thứ ba. Theo Capital Economics dự báo rằng, ngay cả mức thuế quan 60% của Mỹ cũng sẽ chỉ làm giảm chưa tới 1% GDP của Trung Quốc; nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc hiện chỉ tạo ra chưa đến 3% GDP của Trung Quốc.
Các quốc gia khác có thể ít có khả năng tuân theo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc nếu họ cũng bị Mỹ áp dụng thuế quan toàn diện, như ông Trump đã đe dọa.
Tình trạng “dư thừa công suất” có trầm trọng hơn?
Năm 2024 đã chứng kiến một loạt hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc, từ đồ chơi và máy pha cà phê đến tấm pin mặt trời, đã thúc đẩy các đối tác thương mại từ Ấn Độ đến Liên minh châu Âu (EU) đề xuất hoặc áp thuế đối với một số hàng hóa của Trung Quốc để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động của họ. Các nhà quan sát cho rằng, tình trạng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2025, một phần vì Bắc Kinh dường như quyết tâm để ngành công nghiệp bù đắp cho đầu tư lĩnh vực bất động sản. Thêm vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc về sản xuất công nghệ cao vào năm 2035 và tại Hội nghị Kinh tế Trung ương vào tháng 12 năm ngoái, việc đạt được “đổi mới sáng tạo công nghệ” là một trong những ưu tiên chính trong năm nay, chỉ xếp sau việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Tình trạng hàng hóa dư thừa đang làm xói mòn lợi nhuận của các nhà sản xuất và có thể dẫn tới làn sóng thất nghiệp. Theo Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Natixis của Pháp, tỷ lệ “các công ty thây ma” hoặc những công ty không thể trả lãi bằng thu nhập trong hai năm liên tiếp đã tăng mạnh lên 14% trong nửa đầu năm 2024, từ mức 8% vào năm 2023. Bắc Kinh dường như nhận thức được rủi ro của tình trạng dư thừa công suất, do đó vào tháng 12.2024, Trung Quốc đột ngột hạ mức hoàn thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nhất định như nhôm. Động thái này được cho là để xoa dịu căng thẳng đối với các đối tác thương mại, bằng cách làm cho hàng hóa Trung Quốc đắt hơn trên toàn cầu. Gần đây hơn, hai nhà sản xuất polysilicon hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cắt giảm quy mô sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán áp lực giảm giá do tình trạng cung vượt cầu sẽ vẫn tiếp diễn trong năm nay.
Trung Quốc liệu có thể tránh được bẫy giảm phát kiểu Nhật Bản?
Phần lớn trong năm 2024, Trung Quốc mắc kẹt với lạm phát tiêu dùng thấp và giảm phát hàng hóa - một dấu hiệu cảnh báo về nhu cầu trong nước yếu so với tăng trưởng mạnh mẽ về nguồn cung. Trong bối cảnh áp lực, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 2% vào tháng trước lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, làm gia tăng nỗi lo về việc đi theo kinh nghiệm của Nhật Bản kể từ năm 1990.
Mặc dù Bắc Kinh đã cam kết sẽ chi tiêu tài chính nhiều hơn thông qua các chương trình như đổi hàng tiêu dùng, nhưng vẫn chưa biết liệu chính sách này có đủ táo bạo để phá vỡ chu kỳ giá thấp và nhu cầu yếu củng cố lẫn nhau hay không. Zhennan Li, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Pictet Wealth Management, cho biết người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên “nhạy cảm hơn với giá cả” khi họ phải đối mặt với tình trạng mất việc làm gia tăng. Dữ liệu chính thức cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vẫn ở mức cao so với mức trước đại dịch Covid-19 trong khi tăng lương trì trệ.
Mối quan ngại về giảm phát ngày càng trở nên sâu sắc, khi khảo sát Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2024 chỉ có 21% người gửi tiền kỳ vọng giá sẽ tăng trong quý thứ hai, tỷ lệ thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2003. Tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ, lên 23,5%, trong cuộc khảo sát quý thứ hai về kỳ vọng cho quý thứ ba, dữ liệu mới nhất hiện có. Các công ty, đặc biệt là các công ty tư nhân, sẽ ngần ngại vay thêm vì năng lực quá mức và biên lợi nhuận mỏng.
Các biện pháp kích thích tài khóa tiếp theo dự kiến sẽ hỗ trợ hoán đổi nợ cho chính quyền địa phương và giải phóng hàng tồn kho nhà ở. Song theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, một “gói tập trung vào người tiêu dùng quy mô lớn” nhằm phục hồi nền kinh tế là không có khả năng diễn ra.
Các gói kích thích kinh tế sẽ thế nào?
Các nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được đưa ra kể từ tháng 9.2024, chủ yếu tập trung vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc cắt giảm dần lãi suất chính và chi phí thế chấp. Chính phủ cam kết duy trì chính sách tiền tệ “ở mức vừa phải” trong năm nay, ngụ ý sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn. Các nhà phân tích tại Societe Generale nhận định, để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống khoảng 7,5 so với đô la Mỹ trong ba đến sáu tháng tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, việc hạ giá đồng nhân dân tệ không được diễn ra quá nhanh.
Về mặt tài chính, các nhà đầu tư nhìn chung kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ phát hành tới 3 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu kho bạc đặc biệt trong năm nay, đồng thời phá vỡ chuẩn mực bằng cách tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính từ 3% lên 4% GDP. Phần lớn số tiền mới dự kiến sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng, phần còn lại được chuyển hướng vào việc thúc đẩy các chương trình tiêu dùng và phúc lợi xã hội, cũng như đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường không ủng hộ việc phát tiền mặt cho các hộ gia đình, nhưng dường như có những dấu hiệu cho thấy quan điểm này đang thay đổi. Theo Bloomberg, trong những tháng gần đây, các viên chức chính phủ trên khắp Trung Quốc đã nhận được mức tăng lương khoảng 500 nhân dân tệ. Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, ông Larry Hu nhận định: “Cuộc chiến thương mại dưới chính quyền Donald Trump 2.0 sắp tới có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ kích thích trong nước mà Bắc Kinh cần thực hiện để bù đắp cho các cú sốc bên ngoài”. Một số người tin rằng, chính phủ sẽ có nhiều hành động hơn, khi ông Trump nhậm chức và chính thức thực hiện chính sách thuế quan của mình.