Dự án Vòm Vàng của Mỹ: Những điều cần biết
Hạ viện Mỹ vừa thông qua siêu dự luật của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó, có một khoản ngân sách đáng kể được sử dụng để phát triển hệ thống phòng thủ đa tầng Vòm Vàng (Golden Dome). Vậy hệ thống Vòm Vàng là gì và các cường quốc đối thủ phản ứng như thế nào trước kế hoạch của Mỹ?
Khả năng đánh chặn mọi loại tên lửa
Theo “dự luật Vĩ đại tuyệt vời” của ông Donald Trump, khoản tài trợ ban đầu trị giá 25 tỷ USD sẽ được chi để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có tên "Vòm Vàng cho nước Mỹ". Dự án có tổng chi phí ước tính lên tới 175 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ hiện tại của ông Trump, khoảng năm 2029.

Ảnh: ABC News
"Tôi đã hứa với người dân Mỹ rằng tôi sẽ xây dựng một lá chắn phòng thủ tên lửa hiện đại để bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa từ nước ngoài", ông Trump tuyên bố hôm 20/5.
Ông Trump cho biết, Vòm Vàng được thiết kế để vô hiệu hóa "các tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tiên tiến". Chương trình sẽ bao gồm các hệ thống đánh chặn và cảm biến đặt ngoài không gian.
Nhà Trắng hiện chưa công bố thêm chi tiết nào về dự án. Dù ông Trump nói rằng hệ thống sẽ được phát triển tại Mỹ nhưng vẫn chưa công bố các công ty sẽ tham gia vào dự án này.
Ý tưởng về một hệ thống phòng thủ không gian đã được cựu Tổng thống Ronald Reagan đưa ra, khi còn tại vị từ năm 1981 đến 1989. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ông Reagan từng đề xuất một lá chắn chống vũ khí hạt nhân sử dụng công nghệ không gian, trong khuôn khổ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, còn được gọi là dự án "Chiến tranh giữa các vì sao".
"Chúng ta sẽ hoàn thành nốt công việc mà Tổng thống Reagan đã khởi đầu cách đây 40 năm, chấm dứt vĩnh viễn mối đe dọa tên lửa đối với lãnh thổ Mỹ", ông Trump tuyên bố hôm 20/5.
Phản ứng trái chiều
Phản ứng trước thông tin về dự án phát triển Vòm Vàng của Mỹ, Nga và Trung Quốc - hai quốc gia được coi là đối thủ lớn nhất, đồng thời cũng là những quốc gia có thành tựu tiên tiến nhất thế giới về công nghệ tên lửa, đã đưa ra những phản ứng trái ngược.
Khi được hỏi về thông tin này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, kế hoạch Vòm Vàng là vấn đề thuộc về chủ quyền của Mỹ. "Nếu Mỹ tin rằng có mối nguy từ tên lửa, tất nhiên họ sẽ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa". "Mọi quốc gia đều sẽ hành động như vậy. Trong tương lai gần, diễn biến của các sự kiện sẽ đòi hỏi các bên nối lại các cuộc tiếp xúc để khôi phục sự ổn định chiến lược".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng hệ thống này “mang những hàm ý tấn công mạnh mẽ” và làm gia tăng nguy cơ quân sự hóa không gian vũ trụ và chạy đua vũ trang.
“Trong khi theo đuổi chính sách “Nước Mỹ là trên hết”, Mỹ bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối cho chính mình. Bước đi này vi phạm nguyên tắc “không xâm phạm an ninh của quốc gia khác” và làm suy yếu sự cân bằng, ổn định chiến lược toàn cầu. Trung Quốc rất quan ngại về điều này" - bà Mao Ninh nói, đồng thời kêu gọi Washington từ bỏ phát triển hệ thống, thay vào đó, hành động để tăng cường lòng tin giữa các cường quốc.
Theo AP, kế hoạch của ông Trump một phần lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Hệ thống này bao gồm bao gồm ba lớp phòng thủ: Hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome), hệ thống David’s Sling và hệ thống Arrow. Arrow, hoạt động bên ngoài bầu khí quyển, được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm xa. David's Sling chống lại tên lửa tầm trung, còn Iron Dome chuyên bắn hạ tên lửa tầm ngắn với tỉ lệ thành công trên 90%. Hệ thống tinh vi này, được phát triển trong nhiều thập niên dưới sự hỗ trợ của Mỹ, có khả năng phát hiện hỏa lực đang bay tới và chỉ triển khai nếu đầu đạn hướng về trung tâm dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quân sự/dân sự nhạy cảm. Israel cho biết hệ thống này không đảm bảo 100% nhưng ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng và thương vong.