Làm rõ lợi ích quốc gia, công cộng
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị tại Điều 3 cần bổ sung giải thích về thuật ngữ “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Theo đại biểu, pháp luật hiện hành chưa có quy định, giải thích tường minh khái niệm này; chưa xây dựng hệ tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
“Điều này vừa gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng pháp luật về thu hồi đất; vừa tạo kẽ hở để thu hồi đất không đúng quy định, thu hồi đất, kém hiệu quả gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nói.
Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đáp ứng 3 tiêu chí cụ thể sau: (1) Phải mang lại lợi ích chung cho nhân dân của một xã, của một huyện, của một tỉnh hoặc của một vùng; (2) Do ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện hoặc được đầu tư theo phương thức công – tư; (3) Mục đích thực hiện dự án nhằm mục đích công cộng.
Bổ sung quy định về “thuế đất trống”
Góp ý vàoChương XI quy định về tài chính, đất đai, giá đất, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về “thuế đất trống”.
Theo đại biểu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là (1) hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; (2) điều tiết hiệu quả, hợp lý nguồn thu từ đất đai giữa trung ương và địa phương; (3) điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch; (4) xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp; (5) quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Tuy nhiên, dự thảo Luật không nhiều thay đổi so với Luật hiện hành, chỉ bổ sung một khoản thu mới là tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích. Đối chiếu những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW thì dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết thỏa đáng hai vấn đề.
Một là, thuế sử dụng đất chưa được quy định cụ thể, không thể hiện điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Hai là, những khoản thu nhằm điều tiết hiệu quả chênh lệch địa tô, nhất là phần giá trị tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư.
“Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo, kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định về thuế đất trống”, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bình Thuận đề nghị.
Đại biểu cho rằng, thuế đất trống “là công cụ chống đầu cơ, thúc đẩy quá trình khai thác đất đai nhằm đầu tư, sản xuất ra của cải vật chất. Loại thuế này góp phần xử lý hiệu quả hiện tượng đầu cơ đất nông nghiệp để phân lô bán nền, tình trạng chiếm giữ nhưng khu đất sản xuất kinh doanh tại các vị trí đắc địa để trục lợi”.
Cũng theo đại biểu, loại thuế này đã mang lại nhiều hiệu quả ở một số quốc gia. Ví dụ, Đài Loan (Trung Quốc) bắt buộc phải sử dụng đất trong một thời gian nhất định, thường là 2 năm. Sau thời gian này, nếu đất vẫn không được sử dụng thì sẽ bị áp dụng thuế đất trống với thuế suất cao từ 2 đến 5 lần so với mức thuế thông thường.
Với những quy định về áp dụng bảng giá đất tại khoản 3 Điều 159, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho rằng, khi Luật có hiệu lực sẽ có sự tác động sâu rộng của bảng giá đất đến đời sống xã hội, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng đất trong thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.
Do vậy, đại biểu cho rằng, căn cứ xác định bảng giá đất phải bổ sung các chỉ số phát triển - kinh tế, xã hội ở địa phương như: Tốc độ tăng trưởng, cơ cấu sử dụng đất của địa phương, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều... Những chỉ số này là các căn cứ cần thiết thể hiện đặc thù của địa phương, tính khả thi và hiệu quả của bảng giá đất khi áp dụng vào thực tế.