Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sựĐánh giá kỹ việc bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh
Việc bỏ hình phạt tử hình đối với bất cứ tội danh nào cần có sự xem xét kỹ lưỡng, dựa trên các đánh giá khoa học và toàn diện về tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như tình hình tội phạm và thực tiễn áp dụng khi xét xử để không làm giảm tính răn đe của pháp luật.
Đây là đề nghị của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sáng 27/5.

Mức độ điều chỉnh chính sách hình sự cần được cân nhắc thận trọng
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, cơ quan soạn thảo đề nghị bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 8 tội danh có khung hình phạt tử hình.
Cụ thể gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội gián điệp; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ.
Từ quan điểm của cơ quan thẩm tra cho thấy, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với chủ trương tiếp tục xem xét, bỏ hình phạt tử hình tại các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường, suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và các yếu tố bất ổn khác đang tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội trong nước; diễn biến tình hình tội phạm rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, thì mức độ điều chỉnh chính sách hình sự cần được cân nhắc thận trọng. Và, việc bỏ hình phạt tử hình ở tội danh nào cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tránh gây tác động bất lợi tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, hình phạt tử hình không chỉ là mức chế tài cao nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta mà còn là biểu tượng của công lý, của sự phẫn nộ xã hội trước những hành vi đặc biệt nghiêm trọng.
“Việc giảm hoặc loại bỏ hình phạt này luôn gợi ra những băn khoăn về tính răn đe, khả năng phòng ngừa tội phạm cũng như tác động tâm lý xã hội, chính bởi vậy, nội dung này có rất nhiều đại biểu quan tâm, từ phiên thảo luận tổ đến phiên thảo luận tại hội trường”, đại biểu cho biết.
Việc nước ta dần thu hẹp áp dụng hình phạt tử hình, đặc biệt với một số đối tượng, như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi là phù hợp với xu hướng, hệ thống pháp luật quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa. Điều này cũng khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam, đặc biệt với một số tội danh, việc áp dụng hình phạt tử hình không thật sự cần thiết và hiệu quả, hoặc có một số tội danh trên thực tế hầu như không áp dụng.
Theo đại biểu, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng, việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.
Tuy nhiên, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh nào "cần có sự xem xét kỹ lưỡng dựa trên các đánh giá khoa học và toàn diện về tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như tình hình tội phạm và thực tiễn áp dụng khi xét xử để không làm giảm tính răn đe của pháp luật”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.
Cân bằng trong bảo đảm quyền lợi giữa phạm nhân và nạn nhân
Đồng tình với quan điểm bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh, song ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định hình phạt tử hình đối với tội phạm nào thì phải căn cứ vào khách thể mà Bộ luật Hình sự bảo vệ. “Có những tội chúng ta chưa bao giờ áp dụng hình phạt tử hình nhưng cũng không thể bỏ được, đó là tội phản quốc”, đại biểu nêu vấn đề.

Có ý kiến cho rằng, nhiều trường hợp pháp luật quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế lại không được áp dụng, từ đó "án tử hình không còn cần thiết”. Dẫn ví dụ này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) thẳng thắn chỉ rõ, cách lập luận đó "chưa hoàn toàn chính xác".
Lý lẽ là bởi, “sự tồn tại của án tử hình đã tạo ra tác dụng răn đe mạnh mẽ, khiến các đối tượng phạm tội hành động dưới mức dẫn đến tử hình và do đó tòa không tuyên án tử hình, tại sao chúng ta không nghĩ theo chiều hướng đó”, đại biểu phân tích.

Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu đề nghị, nên cân bằng trong việc bảo đảm quyền lợi giữa phạm nhân và nạn nhân. Nạn nhân có thể là một vài cá nhân, nhưng trong một số trường hợp là hàng vạn và có thể hàng triệu người vô tội, trẻ em, người ốm, phụ nữ, người già… Cho nên, khi thiết kế pháp luật, nhất là luật hình sự cần chú ý bảo đảm sự cân đối này.
Nếu muốn hạn chế tử hình, chúng ta có thể thiết kế thêm một số điều, khoản và đường lối xét xử rất ít tử hình. Đề xuất điều này, đại biểu cho biết, qua nghiên cứu sâu những Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì họ không cấm việc chúng ta xử tử hình mà vấn đề là cần chứng minh rằng, "đối với thực tiễn của đất nước chúng tôi thì đây không phải là một hình phạt quá nặng”.
Do đó, vấn đề ở đây, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, “chúng ta cần chứng minh là án tử hình được thiết kế hợp lý và được thực thi một cách rất nhân văn, nhân đạo, thì sẽ thuyết phục được các tổ chức quốc tế”.

Cũng liên quan đến tội danh có khung hình phạt tử hình, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị giữ nguyên khung hình phạt tử hình với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy với lý do bởi, đồng phạm tích cực nhất đối với tội mua, bán ma túy là hành vi vận chuyển. Những đối tượng vận chuyển đến hàng trăm kg ma túy, hàng trăm bánh heroin đều là đối tượng vận chuyển chuyên nghiệp, không có lý do gì để khoan nhượng với đối tượng này.
Vì thế, đại biểu bày tỏ lo ngại, “nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy, thì không khéo Việt Nam sẽ là điểm trung chuyển ma túy đi quốc tế. Bởi, tội phạm sợ nhất vẫn là án tử hình, chúng ta nhân đạo là đúng, nhưng với tội gây họa cho cộng đồng thì nhân đạo là không cần thiết”.
Có quan điểm, một số tội phạm vì hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật không tốt mà vận chuyển trái phép chất ma túy. Dẫn tình huống này, song theo đại biểu Lê Tất Hiếu, chúng ta "không nên nhầm lẫn đường lối xử lý với quy định nghiêm khắc của tội phạm". Trường hợp hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật không tốt, thì nên để Viện Kiểm sát, Tòa án xem xét, không áp dụng hình phạt tử hình. Đây là vận dụng và áp dụng pháp luật, không có nghĩa chúng ta bỏ khung hình phạt tử hình đối với tội phạm này.

Giải trình về những vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, theo tổng hợp đến năm 2024, có 142/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã bỏ án tử hình trên phương diện luật định hoặc thực tế có quy định nhưng không áp dụng.
"Nếu Quốc hội thông qua việc bỏ 8 tội danh nữa, thì số tội còn lại có mức hình phạt tử hình sẽ giảm từ 18 xuống còn 10. So với con số 44 tội có án tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1985 và 29 tội trong luật năm 1999, tiếp đó là 18 tội sau sửa đổi năm 2015 (bổ sung năm 2017), thì đây sẽ là một bước tiến dài, thể hiện sự thay đổi căn bản trong quan điểm chính sách hình sự của nước ta, đặc biệt là với hình phạt nghiêm khắc nhất: tước quyền sống của con người", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, trong quá trình soạn thảo, cơ quan chuyên môn đã thảo luận rất kỹ. Trường hợp nếu vận chuyển phục vụ trực tiếp cho buôn bán hoặc sản xuất ma túy, thì vẫn có thể xử lý theo hai tội danh, còn giữ hình phạt tử hình là "mua bán" và "sản xuất"; tức là vẫn bảo đảm xử lý nghiêm các trường hợp nghiêm trọng, có tổ chức.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, kèm theo các số liệu, lập luận, dẫn chứng rõ ràng, để trình Quốc hội xem xét.