Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luậtCó cơ chế ngăn chặn hiệu quả tình trạng bỏ giá thấp hoặc cao bất thường
Đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật đã bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp, bất thường, đột biến, nhưng một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tại dự thảo Luật chưa "gỡ" được nguyên nhân căn cốt. Do đó, cần xây dựng cơ chế để ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhà thầu bỏ giá thấp hoặc cao bất thường.
Phòng ngừa sự móc nối, gây thiệt hại cho ngân sách
Việc bổ sung quy định để tạo cơ chế chủ động cho chủ đầu tư trong việc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu; mở rộng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt là một sửa đổi quan trọng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật). Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận ở Hội trường chiều 23/5.

Trong đó, điểm đáng chú ý là dự thảo Luật đã bổ sung khoản 3 Điều 20 và bãi bỏ khoản 2 Điều 21 của Luật Đấu thầu hiện hành, cho phép người có thẩm quyền, chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất gói thầu lựa chọn áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu, trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Đồng tình với quy định này tại dự thảo Luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ, khi lựa chọn phải chú ý chọn những nhà thầu chiến lược, có tiềm lực, khả năng về tài chính và đã tham gia nhiều dự án. Đặc biệt, phải phòng ngừa sự móc nối giữa chủ đầu tư và chủ dự án gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, vì vừa qua không ít địa phương có trường hợp vướng vào vòng lao lý về vấn đề này.
Liên quan đến việc xét duyệt trúng thầu với gói thầu xây lắp, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế, thời gian qua có nhiều trường hợp tổ chức đấu giá thầu xây lắp, đấu thầu các bãi vật liệu xây dựng bị bỏ giá thầu cao, thậm chí gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm. Dù vấn đề này đã được cơ quan chức năng quan tâm xử lý, nhưng theo đại biểu, cần làm mạnh hơn trong thời gian tới, có thể cấm tuyệt đối không cho tham gia các gói thầu khác trong một vài năm. “Chỉ khi Luật đưa ra chế tài mạnh hơn, thì cá nhân, tổ chức tham gia bỏ thầu mới sợ, không dám, không muốn làm những việc khiến dư luận xã hội quan tâm nhiều như thời gian qua”, đại biểu thẳng thắn.
Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm i, khoản 1 của Điều 61 Luật Đấu thầu hiện hành để bổ sung cơ chế xử lý trong các trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp, bất thường, đột biến theo hướng chủ đầu tư được quyền loại bỏ nhà thầu hoặc đưa ra yêu cầu giải trình, làm rõ tính khả thi, hợp lý của giá thầu… Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định trên chưa xử lý được nguyên nhân căn cốt là năng lực thi công kém, trong khi có thể tạo ra sự cạnh tranh về giá, tạo cơ chế giữ giá cao.
Dự thảo Luật cũng quy định cho phép loại bỏ nhà thầu có giá chào thấp bất thường, nhưng lại không quy định thế nào là thấp bất thường, mà phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Cho rằng “việc quy định cụ thể như vậy làm tăng rủi ro về sự tùy tiện trong đánh giá, có thể lợi dụng để loại bỏ nhà thầu không phù hợp với ý chí chủ quan của nhà đầu tư”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị, thay vì đưa ra mức giá sàn để xem xét lựa chọn thầu, thì cần bổ sung các quy định để kiểm soát đầu vào, tăng cường giám sát thi công, có yêu cầu về thời gian bảo hành dài hơn. Đồng thời, tăng cường chế tài xử lý đối với nhà thầu vi phạm và có chế độ hậu kiểm chặt chẽ.
Giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các quy định được bổ sung, sửa đổi tại dự thảo Luật nhằm khắc phục những hạn chế, như làm chậm tiến độ, tăng chi phí, giảm chất lượng, gây thất thoát và ảnh hưởng đến cán bộ, đồng thời đáp ứng yêu cầu về hiệu quả cao nhất, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình, dự án.
Thực tế, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã trao quyền cho chủ đầu tư tự quyết định và chịu trách nhiệm trong việc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu (như đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng…) để bảo đảm tiến độ, chất lượng và không làm tăng tổng mức đầu tư. Đồng thời, mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ; bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra, phù hợp với chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện tượng chào giá thấp bất thường (dưới 20% giá trị gói thầu) chiếm gần 10% các gói thầu, gây chậm tiến độ, lãng phí và thất thoát ngân sách. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật đã xây dựng lại định mức, đơn giá phù hợp; đưa ra chế tài xử lý các trường hợp cố tình chào giá thấp bất thường; yêu cầu nhà thầu cam kết bảo hành dài hạn, tăng giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng, hoặc áp dụng phạt hợp đồng nếu không đảm bảo chất lượng, tiến độ…
Dự thảo Luật cũng cụ thể hóa trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia và các bên liên quan trong từng bước quy trình; quy định chế tài nghiêm, như cấm tham gia đấu thầu, xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như thông thầu, gian lận... “Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên được đưa vào dự thảo Luật nhằm bảo đảm đấu thầu thực chất, minh bạch và lựa chọn được nhà thầu có năng lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng đấu thầu trong lĩnh vực y tế
Liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập, dự thảo Luật đã sửa đổi khoản 7 Điều 3 và bổ sung khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 3 của Luật Đấu thầu. ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, đây là một nội dung quan trọng của dự thảo Luật, giúp tháo gỡ nút thắt kéo dài nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế khi các bệnh viện tự chủ tài chính có nguồn thu hợp pháp từ các hoạt động mà nguồn thu chính là thu dịch vụ y tế, nhưng vẫn bị ràng buộc bởi các quy trình đấu thầu giống như các dự án đầu tư công.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát quy định sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 7 của Luật Đấu thầu hiện hành theo hướng “hoạt động mua sắm thường xuyên, mua sắm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên”.
Đại biểu chỉ rõ, dự thảo Luật quy định “thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập” sẽ “vướng” bởi quy định liên quan tại dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cũng trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này.
Điều 5 của dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) quy định, phạm vi ngân sách nhà nước bao gồm: toàn bộ khoản thu từ thuế, lệ phí và các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện. Trong khi đó, nguồn thu chính của các bệnh viện tự chủ tài chính là thu dịch vụ y tế hay các trường đại học tự chủ tài chính nguồn thu chính là học phí. “Nếu để quy định như hiện nay sẽ chưa thể tháo gỡ được vướng mắc cho các đơn vị sự nghiệp công như yêu cầu đặt ra khi xây dựng dự án Luật”. Lưu ý điều này, đại biểu đề nghị, cần quy định rõ “thực hiện dự án đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập”.
Giải trình về nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định để nâng cao hiệu quả và chất lượng đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, trao quyền cho các cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính nhóm 1 và nhóm 2 tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế không sử dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để đàm phán trực tiếp với nhà cung ứng nhằm giảm giá mua sắm. Đồng thời, áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp kỹ thuật và giá, hoặc theo tiêu chí kỹ thuật, nâng tỷ trọng điểm kỹ thuật để lựa chọn nhà thầu có giải pháp công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả.
Liên quan đến những vướng mắc chung trong thực hiện công tác đấu thầu thời gian qua, Bộ trưởng thừa nhận, những vướng mắc này xuất phát từ cả quy định của luật và khâu tổ chức thực hiện. Trong đó, quy định đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu còn quá rộng, chưa bảo đảm quyền tự chủ của chủ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quy trình thủ tục còn rườm rà, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu.