ĐTM sơ bộ cũng cần tham vấn cộng đồng

Bình An 23/11/2013 08:52

Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn về Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Bộ TN-MT vừa tổ chức, không ít chuyên gia cho rằng, quy định về tham vấn ý kiến cộng đồng trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Tham vấn các bên liên quan chịu tác động của dự án là nội dung rất quan trọng của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Theo Phó cục trưởng Cục Thẩm định và ĐTM, Bộ TNMT Lê Hoài Nam, nếu bước ĐTM sơ bộ cũng yêu cầu thực hiện tham vấn sẽ gây khó khăn, gây mất thời gian cho chủ đầu tư. Do vậy, chỉ trong một số trường hợp cần thiết, việc lập ĐTM sơ bộ mới phải tham vấn ý kiến của cơ quan nhà nước về BVMT có liên quan.

Quy định này cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia. Ts Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Cục trưởng Cục thẩm định và ĐTM cho rằng, mục đích của ĐTM sơ bộ là lựa chọn địa điểm, nếu không có tham vấn thì giai đoạn sau cũng chỉ là “vuốt đuôi” theo và sẽ tái diễn tình trạng ĐTM được lập một cách hình thức. Mặt khác, ý nghĩa của tham vấn cộng đồng là rộng rãi và công khai đồng nghĩa với việc dân cư là chủ thể cần được tham vấn chứ không phải UBND các cấp.

Thực tế cho thấy, những quy định trước đây của Luật BVMT 2005 đã dẫn tới hạn chế là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng thường rất ít khi được tham vấn mà phần lớn đều là ý kiến của các “cán bộ ngồi bàn giấy”. Chính vì thế mà văn bản tham vấn đều giống nhau, làm cho đủ thủ tục chứ không rõ người dân muốn gì hay đề xuất gì đối với dự án. “Nếu dự thảo luật không sửa đổi điều này sẽ đi vào vết xe đổ của quy định cũ. Ít nhất cũng nên xác định tối thiểu bao nhiêu phần trăm cộng đồng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất trí mới triển khai thực hiện dự án” - một chuyên gia nói.   

Xuất phát từ quan điểm cho rằng, quy định phải tiến hành tham vấn UBND cấp xã trong quá trình thực hiện ĐTM là một hạn chế, gây tốn kém, lãng phí cho chủ đầu tư do có dự án trải dài trên nhiều địa bàn; Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã đề xuất, nếu trong trường hợp dự án nằm hoàn toàn trong phạm vi xã thì phải tiến hành tham vấn đối với UBND cấp xã. Còn đối với dự án nằm trên địa bàn hai xã trở lên trong cùng huyện thì chủ dự án cũng sẽ xin ý kiến tham vấn của UBND cấp huyện và từ hai huyện trở lên sẽ tham vấn UBND cấp tỉnh.

Song, không ít ý kiến cho rằng, đây là quy định rất bất hợp lý. Một chuyên gia đặt câu hỏi: hai huyện thì tham vấn tỉnh; vậy hai tỉnh thì sẽ tham vấn ai? Chẳng lẽ lại tham vấn Chính phủ? Đây là cách tiếp cận tham vấn đi ngược với thế giới.

Mặt khác, không ít dự án được xây dựng ở xã này nhưng lại ảnh hưởng tới xã khác như bãi chôn lấp rác, nhà máy nhiệt điện. Thêm nữa, có những dự án tác động tới rất nhiều xã, nhiều huyện mà chỉ tham vấn UBND cấp tỉnh sẽ không bảo đảm tính thực tế và không tranh thủ được ý kiến thực chất của người dân cũng như đại diện chính quyền tại khu vực dự án.

Chính vì vậy, tham vấn cộng đồng cấp xã là điều cần thiết không thể bỏ sót. Và quan trọng là phải tham vấn đúng ý kiến của người chịu tác động, như vậy ý nghĩa tham vấn cộng đồng mới được bảo đảm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐTM sơ bộ cũng cần tham vấn cộng đồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO