Chính sách và cuộc sống

“Đột phá” vào sức ỳ!

- Thứ Sáu, 11/01/2019, 08:09 - Chia sẻ
Cả nước đang chuyển động mạnh! Lĩnh vực kinh tế đã có dấu ấn mới. Dấu ấn mới ấy là tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%. Bứt phá, đột phá cả trong tư duy và hành động đang tạo ra động lực mới để vượt lên ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2019!

Nhiều bất cập, rào cản, điểm nghẽn ở các bộ, ngành cũng đã được chỉ rõ. Nói gì về nạn “tín dụng đen” hoành hành ở nhiều tỉnh, thành đang làm cho nhiều gia đình đã nghèo khó càng thêm khốn đốn? Nói gì về thực trạng một bộ phận công chức thực thi nhiệm vụ vẫn đủ cách nhũng nhiễu hành dân, hành doanh nghiệp? Có hay không việc mỗi container ở các cảng phải “bôi trơn” cả bạc triệu? Có hay không một bộ phận cán bộ thuế, hải quan còn làm khó doanh nghiệp và người dân hay cả những chuyện nhốn nháo, ù xọe làm khó người dân trong quản lý đất đai, trong cấp sổ đỏ mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ tiêu cực ấy ở các tỉnh, thành đang gây bức xúc, khiếu kiện.

Phải nhìn lại những ý tưởng xây dựng, kiến tạo chính sách đã thật sự bám sát thực tiễn, hướng về người dân và doanh nghiệp chưa? Đó cũng là ngổn ngang những câu hỏi với các bộ, ngành và chính quyền các cấp không thể không suy nghĩ. Không thể để những rào cản, điểm nghẽn làm chậm bước tiến của đất nước. Càng không thể để những công chức chỉ nhăm nhắm vụ lợi cá nhân, ngó lơ lợi ích quốc gia. Rào cản gì làm khó doanh nghiệp và người dân đều phải bứt bỏ. Điểm nghẽn nào, lỗ hổng nào làm thất thoát nguồn lực đất đai, bạc tiền  nhà nước  phải rà soát lại để tháo gỡ và ngăn chặn.

Nói minh bạch, công khai, không có chỗ cho cách làm ăn ù xọe, nhưng Bộ GT - VT nói gì về việc chỉ định thầu các dự án BOT đang để lại quá nhiều hệ lụy? Là việc chất lượng đường cao tốc kém đến khó tin; là cầu cống có quá nhiều vấn đề; là chọn nhà thầu, mua sắm thiết bị đều có “nhóm lợi ích ngó nghiêng”. Thế nên dứt khoát từ nay các dự án BOT phải đấu thầu rộng rãi! Bộ trưởng Bộ GT - VT đã tuyên bố như “đinh đóng cột”, liệu có tạo ra những đột phá thật sự không?

Nói đổi mới hoạt động tài chính để tạo ra bước ngoặt, dấu ấn, cách làm mới trong thu - chi ngân sách nhưng chỉ đạo từ vĩ mô của ngành cũng cần thay đổi thế nào? Thu ngân sách năm qua đạt khá, nhưng thách thức trong mở rộng dư địa nguồn thu trong năm 2019 cũng đủ thách thức, khó khăn. Phải cơ cấu lại các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước thế nào? Lo tháo gỡ trong sản xuất, kinh doanh để các DNNN nộp ngân sách nhiều hơn càng cần cách làm căn cơ về chính sách, các sắc thuế sao cho hợp lý. Không thể để DNNN mà âm vốn, sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm mất vốn như “chuyện dài nhiều tập”!

Nợ công bước đầu được kiểm soát nhưng sử dụng, quản lý nợ công hiệu quả mới là việc cần làm. Không thể cứ diễn mãi tình trạng có vốn nhưng không thể giải ngân. Càng không thể để các DNNN lợi dụng cổ phần hóa tính giá trị tài sản nhà nước rẻ như bèo như đã từng xảy ra. Cần thanh tra, kiểm tra, chỉ ra lỗ hổng, khe hở từ đâu để có giải pháp ngăn chặn. Không thể coi nhẹ việc trốn thuế, chây ỳ, lách luật bằng cách chuyển giá mà phải có chế tài, biện pháp mạnh tay hơn. Kiểm toán Nhà nước động vào đâu cũng “có vấn đề” về kỷ luật tài chính. Rõ ràng quy trình, quy chế về  quản lý tài chính phải nhìn lại xem còn “hổng hểnh” từ đâu? Đó chính là những đột phá để chống bội chi ngân sách.

Kỷ cương, phép nước dứt khoát phải thực thi cho nghiêm! Phải coi đó là mệnh lệnh số 1,  trước khi nói đến “đổi mới, đột phá, bứt phá”! Nói là làm, làm ngay, làm chuẩn mực! Còn nói một đằng làm một nẻo, sao thuyết phục được dư luận để có được niềm tin? Trách nhiệm nêu gương phải đi thẳng vào hành động của từng “công bộc”. Rào cản không chỉ trong chính sách chưa theo kịp thực tiễn mà  còn ở chính người thực thi nhiệm vụ. Điểm nghẽn không chỉ vì sự chồng chéo bộ nọ, ngành kia trong tư duy “à ơi, nửa vời” kiểu “cha chung không ai khóc”. Điểm nghẽn còn ở ngay chính tư duy của một bộ phận không nhỏ cán bộ vẫn chưa chịu từ bỏ “lợi ích nhóm” hoặc vụ lợi cá nhân.

Không thể nói giải quyết vấn đề “tín dụng đen” là khó vì còn thiếu luật nọ, văn bản kia. Cả hệ thống ngân hàng, chính quyền các cấp và lực lượng công an ở đâu khi tín dụng đen khuynh đảo, thao túng ngay trước mắt? Đó phải chăng là những chiếc “lô cốt” của sức ỳ ngay trong tư duy chưa chịu bứt phá! Muốn bứt phá, muốn vượt lên cần “đột phá” mạnh mẽ vào sức ỳ còn đang “ngự trị” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ!

Hà Phương