Rõ ràng các quy định, chính sách, các thông tư của các bộ, ngành phải rà soát xem còn bất cập gì, còn “nút thắt” ở đâu chưa chịu bứt bỏ? Chính phủ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nhưng trong xây dựng, ban hành chính sách và các quy định đã thật sự vì doanh nghiệp và người dân chưa?
Đầu năm 2019, chiến lược quốc gia khởi nghiệp có thêm động lực khi bức tranh kinh tế đất nước ngày càng sáng láng hơn. Nghị quyết 01 của Chính phủ đã chủ động, quyết tâm đổi mới điều hành kinh tế vĩ mô. Đột phá để tạo ra sự bứt phá là tư duy mới hướng các bộ, ngành vào cuộc. Nhưng đột phá vào đâu, tạo ra những “bứt phá” gì, rõ ràng từng bộ, ngành phải tự rà soát, “tự soi” lại lĩnh vực quản lý của mình xem còn gì chưa đúng, chưa trúng, còn gì bất cập? Vì sao doanh nghiệp và người dân còn kêu ca về thủ tục này vừa bãi bỏ lại đã có quy định này, quy định kia làm khó, làm mất cơ hội của doanh nghiệp?
Kinh tế quốc gia không thể chỉ “nhìn” vào các doanh nghiệp nhà nước, mà phải coi doanh nghiệp tư nhân là “điểm tựa”, là “bệ phóng” dài xa cho tăng trưởng. Tư duy, cách nhìn về doanh nghiệp tư nhân rõ ràng phải khác trước. Bởi 97% doanh nghiệp nước ta đều có quy mô vừa và nhỏ, vậy giải pháp nào chắp cánh, nâng bước cho những doanh nghiệp này? Không thể không trăn trở khi cứ 3 doanh nghiệp thành lập mới thì có tới 2 doanh nghiệp “gục ngã, rời trận địa”. Vậy vì sao các doanh nghiệp không trụ nổi? Cơ chế thị trường quá rát bỏng hay chính sách, thể chế còn có vấn đề?
Đã nhìn ra thể chế, cơ chế đang còn những rào cản rất lớn nếu không nhanh chóng thay đổi thì chuyện doanh nghiệp tư nhân không thể “lớn”, không muốn “lớn” sẽ mãi là “chuyện dài nhiều tập”. Vậy nên muốn đột phá thì chính các cán bộ soạn thảo, xây dựng chính sách phải đột phá vào tư duy của mình. Đột phá vào thể chế phải đi trước một bước mới có thể nói đến bứt phá. Nhưng vẫn còn kia những bộ ngành chưa biết đột phá vào đâu. Văn bản, chính sách “ban ra” còn co kéo lợi ích riêng của bộ, ngành mình. Vẫn còn có chính quyền địa phương chưa tạo ra những điểm nhấn, chưa “phác thảo” ra những việc trọng tâm phải làm thì sao có thể nói đổi mới, có thể nói cải cách thủ tục hành chính quyết liệt?
Rất mừng là đã có nhiều bộ, ngành quyết liệt thay đổi tư duy, bám sát thực tế, lắng nghe doanh nghiệp và người dân. Như Bộ Y tế đã mở rộng trao quyền tự chủ cho hàng loạt bệnh viện, các đơn vị y tế từ Trung ương đến địa phương. Các bệnh viện, cơ sở y tế này đã tạo ra những bứt phá đáng ghi nhận.
Hay như nhiều bộ, ngành khác trong triển khai kế hoạch năm 2019 đã nhìn thẳng vào những điểm yếu, những bất cập để có giải pháp tháo gỡ: Ngành giao thông - vận tải nhìn thẳng vào lỗ hổng từ chỉ đạo, quản lý vĩ mô để siết cho chặt, kiên quyết không chỉ định thầu mà phải đấu thầu rộng rãi; kiên quyết loại những nhà thầu yếu kém, không cho dự thầu.
Không cách gì khác, muốn bứt phá nhanh, các bộ, ngành phải gần doanh nghiệp, gần người dân, để biết doanh nghiệp, người dân mong gì, cần gì? Dư luận hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trực tiếp gặp một doanh nhân để nghe phản ánh về bất cập trong xin cấp phép xây dựng. Nếu không có cuộc gặp gỡ này thì sao các cục, vụ của Bộ Xây dựng “tỏ” hết “đoạn trường” doanh nghiệp phải trải qua để có được giấy phép như thế nào.
Đất nước dứt khoát phải bứt phá nhanh mới theo kịp dòng chảy thời đại, khi những cam kết của Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực. Đột phá thẳng vào những “lô cốt, boong ke” của sự trì trệ chính là phải quyết liệt đổi mới cơ chế, thể chế. Quốc gia khởi nghiệp muốn thành công cần phân tích, nhìn thẳng vào thực trạng “sức khỏe” các doanh nghiệp mới mong có quyết sách, kế sách trúng để chắp cánh và nâng bước. Và tại sao doanh nghiệp tư nhân không thể “lớn”, sợ “lớn”, hay không muốn “lớn” là câu hỏi cần phải trả lời thuyết phục trước khi nói đến đột phá, bứt phá để vượt lên!