Thường trực HĐND tỉnh Long An giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới

Đột phá từ ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế hợp tác

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 07:58 - Chia sẻ
Để đạt được những mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều đề nghị UBND tỉnh rà soát, nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới về cơ chế, chính sách xây dựng NTM với 3 cơ chế trọng tâm là đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích. Bên cạnh tăng cường huy động các nguồn lực, thực hiện tốt công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh việc tổ chức lại sản xuất với đột phá là ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; chuyển đổi nhận thức từ làm phong trào sang là nhiệm vụ chính của ngành, địa phương để có sự tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục, bền vững hơn.

Nông thôn khởi sắc

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, giai đoạn 2016 - 2020, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Long An đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đạt được nhiều kết quả phấn khởi với 103/161 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 64% tổng số xã), trong đó có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM và đang tập trung xây dựng huyện NTM nâng cao; thành phố Tân An đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Tân Trụ và thị xã Kiến Tường có 100% số xã đạt chuẩn NTM; trung bình mỗi xã đạt 17,2/19 tiêu chí NTM. Nguồn lực xây dựng NTM được tập trung huy động tối đa, từ nhiều nguồn với tổng nguồn vốn huy động giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 55 nghìn tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Long An về việc thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, phong trào xây dựng NTM đã có sự lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh, được người dân tích cực tham gia. Qua 10 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nổi bật là hệ thống đường giao thông được đầu tư khá hoàn chỉnh. Hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư đồng bộ theo hướng phục vụ đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó các công trình lớn đã phát huy hiệu quả đầu tư như hệ thống thủy lợi Phước Hòa, Bảo Định, Nhật Tảo Tân Trụ, Rạch Chanh Trị Yên và 869 cống tưới tiêu nước, 291km đê bao chống xâm nhập mặn, ngăn lũ, triều cường để bảo vệ 65.091ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống lưới điện được đầu tư khá hoàn chỉnh với 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt trên 99,88%. Mạng lưới cơ sở giáo dục liên tục phát triển, có 300/590 đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia.

Việc đổi mới tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả rõ nét, nhất là đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tập thể, giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, năng suất tăng, giá bán hợp lý, ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều giám sát làm việc tại UBND tỉnh

Hướng tới những mục tiêu cao hơn

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Long An đặt ra mục tiêu cao hơn trong xây dựng NTM. Đó là làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ; xã hội nông thôn dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn “Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp”; hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh trật tự được củng cố. Tỉnh đặt quyết tâm có 8 huyện/thị/thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tăng 4 huyện so với giai đoạn 2016 - 2020); có 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 2 huyện); 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 1 huyện); 120 xã đạt chuẩn NTM (tăng 17 xã so với giai đoạn 2016 - 2020); 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 13 xã); 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 5 xã); GRDP bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Để góp phần đạt được những mục tiêu cao hơn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, trong các cuộc giám sát, làm việc của Thường trực HĐND tỉnh Long An tại một số địa phương, cơ quan cấp tỉnh, đặc biệt là với UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn do tỉnh ban hành thời gian qua. Từ đó, nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới về cơ chế, chính sách xây dựng NTM với 3 cơ chế trọng tâm là đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích. Tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện chương trình, nhất là nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp và nguồn vốn tín dụng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là gắn kết với các định hướng, chiến lược phát triển lớn, dài hạn của tỉnh trong tương lai; đối với những vùng quy hoạch dự án nhưng kéo dài, chậm triển khai thực hiện, phải rà soát, xử lý dự án, đồng thời có giải pháp đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều nhấn mạnh việc tổ chức lại sản xuất với đột phá là ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, tạo ra các sản phẩm chủ lực OCOP của từng địa phương; khuyến khích các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất của lực lượng trẻ khởi nghiệp; làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải. Việc xây dựng nông thôn phải được chuyển đổi nhận thức từ làm phong trào sang là nhiệm vụ chính của ngành, địa phương để tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục, bền vững hơn, với mục đích cuối cùng hướng tới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, làm cho người dân thật sự giàu có, hạnh phúc- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: CÔNG THÀNH