Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh

Đột phá từ tiềm năng, lợi thế

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:42 - Chia sẻ
Với phương châm “Dân chủ - Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, cùng với việc duy trì những kết quả đã đạt được, huyện Hương Khê sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa gắn với phát triển cây “có múi đặc sản” và một số loại cây dược liệu quý.
	Khu dân cư kiểu mẫu thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch Nguồn: ITN
Khu dân cư kiểu mẫu thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch
Nguồn: ITN

Đạt nhiều kết quả đáng khích lệ

Vượt qua những khó khăn của huyện miền núi “chảo lửa, túi mưa”, lãnh đạo huyện Hương Khê cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và Nhân dân huyện đã cùng nhau đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên biến thách thức thành thời cơ với những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động Nhân dân hiến trên 400.000m2 đất, huy động trên 115.800 triệu đồng và 518.000 ngày công lao động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động 29.915 triệu đồng quỹ vì người nghèo, quỹ cứu trợ; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.131 nhà ở cho hộ nghèo…

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 5%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,25%. Theo lãnh đạo UBND huyện Hương Khê, nếu đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, thu nhập bình quân đầu người của Hương Khê chỉ đạt 27,8 triệu đồng/năm, thì đến nay con số đó đã tăng lên 44,7 triệu đồng. Toàn huyện có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, huyện cũng kịp thời “kích cầu” bằng việc ban hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ năm 2015 - 2019, tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt hơn 163,6 tỷ đồng. Huyện cũng chú trọng xây dựng nhãn hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ “đặc sản” bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân. Toàn huyện đã có 3.169 mô hình cho giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 ước đạt 2.847,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, về tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, đến nay, Hương Khê mới đạt 2/9 tiêu chí là an ninh, trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; 7 tiêu chí chưa đạt gồm quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, sản xuất, môi trường.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Huyện Hương Khê đặt mục tiêu vào cuối năm 2023, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 - 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024. Duy trì bền vững các xã đã đạt và từng bước xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2025.

Đồng thời, triển khai thực hiện một số chỉ tiêu cụ thể như giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 142 triệu/ha đất trồng trọt; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 170 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm trên 11.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 67 triệu đồng/năm; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 97%; bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng, cùng với việc duy trì những kết quả đã đạt được, huyện Hương Khê cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình kinh tế tập trung theo hướng hữu cơ, liên kết gắn với bảo vệ môi trường. Phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa gắn với phát triển cây “có múi đặc sản” và một số loại cây dược liệu quý; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi, giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, phát động người dân ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào sản xuất; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế riêng có để từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khai thác các danh lam thắng cảnh, di tích Quốc gia, cấp tỉnh, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, huyện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt, đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể để chỉ đạo quyết liệt các xã chưa đạt. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững đường biên giới Việt - Lào hòa bình, hữu nghị.

Nhật Phương