Đột phá trong điều trị lao siêu kháng thuốc

- Thứ Hai, 12/04/2021, 06:48 - Chia sẻ
Hiện nay, Việt Nam có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao, trong khi đó, phác đồ điều trị lao kháng thuốc thường khá dài, từ 18 - 20 tháng. Mới đây, Việt Nam đã cập nhật khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến tới sử dụng các phác đồ mới, rút ngắn thời gian điều trị, kiểm soát lao kháng thuốc, nhằm đem lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh lao tại Việt Nam.

Rút ngắn thời gian điều trị

Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm có 17.000 ca mắc mới (theo báo cáo WHO 2020) với khoảng 11.400 ca tử vong; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với chi phí chẩn đoán và điều trị bệnh vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.

	Xét nghiệm phát hiện lao tại bệnh viện Nguồn: ITN
Xét nghiệm phát hiện lao tại bệnh viện
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, số trường hợp lao đa kháng thuốc đã giảm so với trước đây do Việt Nam triển khai điều trị từ năm 2009 và tăng chỉ số bao phủ những trường hợp mới được phát hiện. Năm 2020, Việt Nam đã phát hiện và điều trị gần 4.000 trường hợp lao kháng thuốc, đa kháng và siêu kháng. Tỷ lệ điều trị thành công lao đa kháng thuốc ở Việt Nam là trên 70%, trong 2 năm trở lại đây, con số này có lúc lên 80 - 85% với những phác đồ thuốc mới, ngắn hạn. Ở những trường hợp tiền siêu kháng và siêu kháng, tỷ lệ điều trị thành công dưới 50%. 

Bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc được điều trị theo phác đồ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, kéo dài tới 20 tháng. Gần đây nhất, vào tháng 6.2020, WHO đã có cập nhật hướng dẫn về điều trị bệnh lao kháng thuốc với phác đồ thuốc mới, điều trị ngắn hạn trong trường hợp tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc. 

Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Nguồn: ITN

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống Lao quốc gia PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, phác đồ mới này sử dụng 3 loại thuốc, bao gồm bedaquiline, pretomanid và linezolid (BPaL) trong đó, có 2 thuốc hoàn toàn toàn mới. Bệnh nhân sẽ được điều trị phối hợp 3 loại thuốc này trong thời gian 6 - 9 tháng, sử dụng hoàn toàn theo đường uống. Trong các thử nghiệm lâm sàng gần đây của Liên minh phòng, chống lao, tỷ lệ điều trị phác đồ này cho bệnh nhân lao siêu kháng thành công tới 90%. Đây là bước đột phá lớn trong công tác điều trị bệnh lao, là cơ hội giúp bệnh nhân không may mắc phải vi khuẩn lao siêu kháng hoặc người đã từng điều trị rất nhiều loại thuốc, khỏi bệnh lao. 

Tuân thủ phác đồ điều trị

Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu triển khai thí điểm theo dõi dọc sử dụng phác đồ điều trị BPaL. Mục tiêu chính của nghiên cứu là ước tính hiệu quả và mức độ an toàn của phác đồ BPaL trên bệnh nhân lao đa kháng thuốc (MDR-TB)/kháng rifampicin (RR-TB) có kháng thêm với nhóm fluoroquinolone (FQ) và bệnh nhân không dung nạp thuốc hoặc thất bại trong điều trị lao đa kháng thuốc (MDR-TB).

Nguồn: ITN

Phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới BPaL là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, sẽ tiến hành trên 567 bệnh nhân trong thời gian 3 năm (2021 - 2023) tại 3 đơn vị triển khai thí điểm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp bằng chứng cho việc quyết định triển khai mở rộng trong tương lai. Bước đầu, 100 bệnh nhân sẽ được áp dụng phác đồ BPaL trong thời gian 1 tháng, sau đó mở rộng thêm. Theo quy định, các điểm nghiên cứu phải có đánh giá đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) mới được công nhận và điều trị. Hiện nay, đánh giá theo GCP mới chỉ có Bệnh viện Phổi Trung ương đáp ứng yêu cầu. Kết quả của nghiên cứu sẽ được sử dụng để hỗ trợ triển khai mở rộng phác đồ trên quy mô toàn quốc. 

Phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc BPaL nằm trong Dự án LIFT-TB (Leveraging Innovation for Faster Treatment of Tuberculosis) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn quốc (KOICA) thông qua tổ chức của TB Alliance hỗ trợ triển khai thí điểm tại 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Không ít chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực, đẩy mạnh hơn nữa nhằm rút ngắn thời gian từ phê duyệt đến triển khai nghiên cứu, để người bệnh nhanh chóng tiếp cận được phác đồ điều trị mới. Muốn điều trị thành công, cần duy trì bền vững phác đồ điều trị đó. Trong điều kiện nghiên cứu hiện nay, phải tuân thủ hết sức chặt chẽ việc theo dõi, giám sát bệnh nhân để bệnh nhân có thể tuân thủ 100% liều lượng thuốc, nhịp độ thuốc. 

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo, khi mắc lao nếu người bệnh điều trị không tốt sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, tiếp theo sẽ dẫn tới đa kháng và siêu kháng thuốc. Có trường hợp bệnh nhân là người chưa từng mắc lao nhưng ngay ở lần đầu tiên, có thể nhiễm lao kháng thuốc. Như vậy, không chỉ bệnh nhân có hiểu biết về bệnh lao mà người thân và những người xung quanh cũng cần có kiến thức để phòng, chống bệnh lao. Ngay khi có triệu chứng nghi lao người bệnh cần đi khám sớm để được phát hiện và điều trị đúng thuốc, đủ thời gian. Trong quá trình điều trị, kể cả khi hết triệu chứng, bệnh nhân vẫn phải tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị, tránh bệnh lao kháng thuốc. Có như vậy, Việt Nam mới đạt được mục tiêu thanh toán được bệnh lao vào năm 2030.

Dương Cầm