Doodle Trịnh Công Sơn
Tôi viết những dòng này khi thấy Doodle (biểu tượng đặc biệt) của Google có Trịnh Công Sơn. Những đoạn tôi trích dẫn dưới đây nằm trong quyển “Tôi là ai, là ai” - tập ghi chép vụn của cố nhạc sĩ mà tôi mua từ những ngày “đứng lên gọi mưa vào hạ”, dù rằng tôi rất ghét mưa, năm ấy nóng kinh hoàng...
Không rõ tình hình giới teen hiện tại như thế nào nhưng những năm 2000 (và có thể trước đó) thường có một nhóm nhỏ, tạm hiểu là nhóm “không nổi bật nhưng sâu sắc”, rất mê nhạc Trịnh. Dễ bắt gặp những chàng trai đeo guitar sau lưng ngồi ở những bãi cỏ. Nhiều người lớn tuổi hơn, cũng là dân chuyên đàn hát các bản nhạc của Trịnh Công Sơn, quý những bạn trẻ này vì thấy chúng “người lớn” nhưng họ cũng xuề xòa vì nghĩ trẻ con thì hiểu được bao nhiêu.
Trịnh Công Sơn là một nhân vật lớn của tân nhạc Việt Nam dù người ta có thích ông hay không. Việc chúng ta hay nhắc cụm “nhạc Trịnh” và đưa những ca khúc, những phân mảnh cuộc đời ông vào các buổi trò chuyện trong phòng trà là một minh chứng về việc cố tạo ra một ẩn số. Trong tạp bút “Ngày sau sỏi đá” viết năm 1987, một lần nữa chúng ta thấy Trịnh Công Sơn vô cùng loay hoay với chính những gì ông viết ra. Khi ông nhớ lại các đoạn “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” và “như cánh vạc bay”, ông thấy: “Hình như là cái đẹp. Cái đẹp trong câu nhạc. Cái đẹp trong ca từ, cả xác chữ lẫn hồn thơ. Bảng lảng, lờ mờ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là đẹp...”.
Âm điệu trong nhạc Trịnh Công Sơn không hề phức tạp, người ta dễ dàng hát theo đúng nốt dù có diễn đạt được hay không tâm trạng tác giả. Tuy nhiên, hình ảnh được dùng trong nhạc Trịnh Công Sơn mới là điều đưa nhạc ông lan rộng hơn cả. Trịnh Công Sơn ngay từ nhỏ đã có năng khiếu diễn giải và “bẻ đôi” tiếng Việt. Trong một tạp bút viết năm 1991, “Bài hát đầu tiên, bài hát cuối cùng”, trong đó ông hồi tưởng “từ tuổi mười ba, mười bốn tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ”. “Sóng vỗ mạn thuyền” đương nhiên là ám chỉ con người “lãng mạn” nhưng cũng đồng thời cho thấy Trịnh Công Sơn khá cầu kỳ với hình ảnh. Tính bất chợt, hay tính chuyển động trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng là một điểm nhấn, như “hòn đá rớt xuống cành mai”. Hay “một dòng sông có thể qua đời” gồm cả nghĩa kép dòng sông chết đi và dòng sông chảy qua một cuộc đời. Một mối tình có thể chết hoặc đã đi qua đều đồng nghĩa.
Tôi nghĩ ngày nay người ta nghe nhạc Trịnh cũng thường để nhớ cái đi qua, có thể là một người hay một môi trường văn nghệ ấm áp cũ đang dần mất đi. Hơn nữa, phần nhiều người Việt cũng luôn có một điểm đánh dấu bằng nhạc Trịnh trong đời mình, vì muốn hay không thì người ta vẫn nghe loáng thoáng được nhạc Trịnh ở nhiều nơi và tự hỏi đấy là bài gì. Tôi không phải fan của nhạc Trịnh, tôi nghe ít nhưng có vài bài hát của ông tôi thật sự quý mến ở cái giản dị. Khác với sách vở, tôi có mối quan hệ khá bình đẳng với âm nhạc, và nề nếp âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì cũng chẳng cần đi sâu vào để hiểu làm gì. Mà nếu muốn biết nó là gì thì chính ông ấy cũng đã đưa ra câu trả lời rồi: “Tôi mất đi, mọi người cũng sẽ mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như một chứng tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của một cõi đời...”.