Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, sáng 7.12.
Hội nghị này được tiến hành sau một tuần khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Thời gian qua, với những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt, cùng với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" của các ngân hàng thương mại, đã tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối người dân, doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn đầu tư, kinh doanh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu thực tế của nền kinh tế thì mức tăng trưởng tín dụng còn thấp. Hiện nay, còn khoảng trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế, thì dư địa để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng còn gặp không ít khó khăn. Đây là một nghịch lý rất cần sớm được tháo gỡ. Bởi ngân hàng và doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Đó có thể được xem là sự phát triển có tính “cộng sinh”. Và chỉ khi dòng tín dụng được khơi thông, đến đúng doanh nghiệp cần được thụ hưởng thì mới thực sự tạo động lực để phát triển nền kinh tế và ngược lại.
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài công bố công khai lãi suất bình quân của ngân hàng, điều chỉnh linh hoạt mức lãi suất hợp lý, rất cần đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện các thủ tục khi tiếp cận tín dụng. Đặc biệt, tập trung ưu tiên đầu tư vốn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Không phủ nhận, thời gian qua, nhìn chung các tổ chức tín dụng hoạt động rất hiệu quả và góp phần không nhỏ cho tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, bài học từ vụ án Vạn Thịnh Phát, đòi hỏi chúng ta cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm phát hiện sai phạm, tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là đánh giá, phân loại đúng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng để bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn. Theo đó, Quốc hội cũng yêu cầu cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và có giải pháp phù hợp sử dụng hiệu quả gói cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cho vay đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ…
Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, mong rằng, những vướng mắc, bấp cập trong lĩnh vực tín dụng sớm được tháo gỡ. Sự lành mạnh thị trường tín dụng không chỉ giúp dòng vốn đến đúng đối tượng mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế.