Hội thảo có 7 báo cáo tham luận và 5 ý kiến thảo luận, đưa ra những giải pháp góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030" có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn.
Trong đó, chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác kiện toàn, bầu hòa giải viên ở cơ sở, thực hiện mục tiêu 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bầu, công nhận hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, trong đó, giải pháp căn cơ nhất là phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội quan tâm huy động cán bộ hội tham gia làm hòa giải viên. Trong đó, bảo đảm mỗi tổ hoà giải có ít nhất 1 nữ theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở với các phong trào do Mặt trận phát động như “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”... tăng cường đồng thuận xã hội, giảm tranh chấp mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.
Duy trì, phát huy mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở, nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên toàn tỉnh đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỷ lệ hoà giải thành phải đạt trên 90%.
Mô hình Câu lạc bộ (CLB) hòa giải ở cơ sở được đánh giá là mô hình tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải. Mô hình được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020. Hiện toàn tỉnh có 143/143 xã, phường, thị trấn xây dựng CLB hoà giải.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hòa giải phường An Hòa, TP. Sa Đéc (CLB triển khai đầu tiên trên toàn tỉnh) Đinh Thanh Sơn cho biết, qua 7 năm hoạt động, CLB tạo điều kiện cho tất cả hòa giải viên trên địa bàn có dịp cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp mới, cách làm hay trong hòa giải cơ sở. Từ đó, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng được nâng lên (trên 80%). Đặc biệt, từ tháng 1.2018 đến nay số vụ việc hòa giải thành của địa phương phường An Hòa luôn đạt tỷ lệ 100%. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên, phát huy hiệu quả, nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động góp phần đưa công tác hòa giải cơ sở ngày càng càng đi vào chiều sâu.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Bé Sáu cho biết, hội viên Hội Luật gia là những người có trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật vững vàng sẽ hỗ trợ rất đắc lực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện số hội viên tham gia còn rất thấp, chỉ từ 1-2%. Theo Kế hoạch số 216/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao nguồn nhân lực hoà giải ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu ít nhất 10% tổ hòa giải ở cơ sở được Luật sư, Luật gia cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật hỗ trợ về chuyên môn pháp luật.
Từ đó, ông Lê Văn Bé Sáu rất tâm huyết với mục tiêu này và tiếp tục tham mưu Hội Luật gia tỉnh phối hợp Đoàn Luật sư tỉnh vận động số cán bộ, hội viên Hội Luật gia, Luật sư, cán bộ đã nghỉ hưu đang cư trú trên địa bàn tham gia công tác hòa giải ở cơ sở và làm hoà giải viên ở cơ sở, hàng năm sẽ đưa ra chỉ tiêu cụ thể để các Chi hội Luật gia thực hiện.
Với mục tiêu năm 2030 có ít nhất mỗi huyện 1 đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”, phòng Tư pháp các huyện, thành phố cần phát huy vai trò trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo phát huy nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác hoà giải ở cơ sở như: Mô hình Tổ Tư vấn chuyên môn và pháp luật hỗ trợ công tác hòa giải của huyện Tam Nông, Thanh Bình; Tổ tư vấn cộng đồng tại Lai Vung hay mô hình phối hợp giữa các tổ hoà giải với Hội viên Hội Luật gia tại địa phương trong công tác hoà giải tại huyện Hồng Ngự.
Đây là những đổi mới, sáng tạo, đồng hành cùng tổ hoà giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở, tạo được lòng tin của người dân đối với hoạt động hoà giải ở cơ sở. Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc phát động phong trào thi đua trong công tác hoà giải ở cơ sở, quan tâm công tác khen thưởng, đề nghị Bộ Tư pháp tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tư pháp là cách làm tác động tích cực đến chất lượng hoạt động hoà giải tại địa phương. Qua đó, nhằm tôn vinh những tập thể và cá nhân tích cực, tiêu biểu trong công tác hoà giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia của hoà giải viên và duy trì tổ chức hội thi hoà giải viên giỏi cấp huyện nhằm tạo sân chơi bổ ích cho hoà giải viên.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thị Hồng Phượng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp nhiều hơn nữa trong công tác hoà giải ở cơ sở của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở ngành trên địa bàn, tinh thần trách nhiệm của phòng Tư pháp các huyện, thành phố; công chức Tư pháp - Hộ tịch và sự tâm huyết của các cô, chú Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ hòa giải, hoà giải viên ở cơ sở góp phần cho công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa, sớm hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” đã đề ra.