Động thái nguy hiểm

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 06:47 - Chia sẻ
Israel vừa phê duyệt thêm kế hoạch xây dựng hơn 3.000 ngôi nhà định cư Judea và Samaria, chỉ một ngày sau khi thông qua việc xây dựng 2.000 ngôi nhà bổ sung trước đó ở Bờ Tây. Như vậy sau 8 tháng tạm dừng để đổi lấy thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Bahrain, Israel đã khởi động lại kế hoạch đầy tranh cãi này. Chắc chắn, nó sẽ khiến căng thẳng với Palestine gia tăng và làm mất ổn định khu vực Trung Đông.

Con số kỷ lục

Theo Peace Now, nhóm phi chính phủ chuyên giám sát khu định cư, số nhà được Israel phê duyệt trong năm 2020 là hơn 12.150 căn, con số kỷ lục kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức cũng như từ khi Peace Now bắt đầu thu thập dữ liệu này năm 2012.

Việc mở rộng các khu định cư Do Thái là bước đi hiện thực hóa kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây mà Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu đã công bố. Quyết định đó cho thấy, Israel đang phớt lờ tiến trình hòa bình với Palestine, và đảo ngược cam kết khi ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain, rằng Tel Aviv sẽ “đóng băng” kế hoạch xây dựng thêm các khu định cư. Được biết, Quốc hội Israel hôm 15.10 vừa thông qua các thỏa thuận trên.

Mỹ đang vận động nhiều quốc gia khác ở vùng Vịnh ký kết thỏa thuận tương tự với Israel. Có dư luận cho rằng, Ảrập Xêút có thể tiếp bước UAE và Bahrain. Tuy nhiên, Chính quyền Riyadh đã ra tuyên bố khẳng định ủng hộ người Palestine cũng như các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp công bằng và toàn diện.

Nguồn: AFP

Sở dĩ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm trung gian thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ảrập, vì xem đây là một phần của sáng kiến hòa bình Trung Đông của mình. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas tuyên bố, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Ảrập sẽ phá vỡ chính sách của Liên đoàn Ảrập (AL) đối với cuộc xung đột Isael - Palestine và không mang lại hòa bình cho khu vực. Theo ông, chỉ khi nào Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng thì Trung Đông mới có hòa bình thật sự. Diễn biến vừa qua cho thấy, việc nhà nước Do Thái nối lại kế hoạch xây dựng nhà định cư khi các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia Ảrập còn chưa ráo mực đã chứng minh những quan ngại của Palestine là có cơ sở.

Phản đối từ nhiều phía

Hôm 15.10, Ngoại trưởng Ảrập Xêút Faisal bin Farhan nhấn mạnh, trọng tâm của các nỗ lực hòa bình Trung Đông là phải đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán. Ông cho rằng, “điều duy nhất có thể mang lại hòa bình và ổn định lâu dài là đạt được một thỏa thuận giữa người Palestine và người Israel”.

Trước đó, AL cũng đã thể hiện rõ lập trường về vấn đề Palestine. Theo Tổng Thư ký AL Ahmed Abul Gheit, việc thiết lập hòa bình bền vững ở Trung Đông đòi hỏi phải nối lại các cuộc đàm phán theo các nghị quyết và luật pháp quốc tế.

Theo luật pháp quốc tế, Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, được coi là “lãnh thổ bị chiếm đóng”. Do đó, tất cả khu định cư của người Do Thái ở đó là bất hợp pháp. Năm 1967, Israel chiếm Dải Gaza và Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem.

Trong khi đó, người Palestine luôn tuyên bố toàn bộ Bờ Tây là một phần của quốc gia độc lập trong tương lai. Palestine cho biết, dân số Israel định cư bất hợp pháp đang ngày càng tăng, lên tới 500.000 người sống cùng khoảng 2,7 triệu dân Palestine ở Bờ Tây, đang khiến họ ngày càng khó đạt được ước mơ độc lập.

Nhiều đời Tổng thống Mỹ, cùng với phần còn lại của thế giới, lâu nay luôn phản đối việc xây dựng khu định cư của Israel. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại có cách tiếp cận khác. Trái ngược với những người tiền nhiệm, chính quyền của ông không chỉ trích hay lên án các tuyên bố liên quan đến khu định cư của Israel. Kể từ khi coi các thỏa thuận ở vùng Vịnh là một phần trong sáng kiến hòa bình Trung Đông được công bố hồi đầu năm của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có quyết định gây tranh cãi khi “chúc phúc” cho Israel sáp nhập phần lớn Bờ Tây, trong đó có các khu định cư. Thậm chí, năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington không còn coi các khu định cư của Israel tại Bờ Tây là “không phù hợp” với luật pháp quốc tế. Tuyên bố mang tính bước ngoặt đó cho thấy sự đảo ngược chính sách của đất nước cờ hoa trong vòng 4 thập kỷ qua đối với các khu định cư của Israel tại Bờ Tây.

Trước động thái mới nhất của Israel vừa qua, Palestine và cả nước láng giềng Jordan đã nhanh chóng lên án mạnh mẽ. Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeinah chỉ trích, Israel đã lợi dụng việc cải thiện quan hệ với các nước vùng Vịnh và “sự hỗ trợ mù quáng của chính quyền Tổng thống Donald Trump”.

Trong phản ứng mới nhất hôm 15.10, Tổng Thư ký AL Ahmed Abul Gheit đã lên tiếng phản đối việc Chính phủ Israel xây thêm các ngôi nhà định cư ở Bờ Tây vì nó “sẽ phá hủy giải pháp 2 nhà nước”, đồng thời cho rằng động thái đó mâu thuẫn ngay với tuyên bố của chính quyền Israel đương nhiệm là sẽ tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực.

Tương tự, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov kêu gọi Israel ngừng kế hoạch trên vì đây là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, cũng như là một trong những trở ngại chính để đạt được hòa bình trong khu vực.

Linh Anh