Tùy bút:

Dòng "sông Con" thủa ấy

Trong các tài liệu, sách báo thì dòng sông ấy gọi là “sông Cầu Đá” còn chúng tôi thường gọi nôm na là “sông Con”. Sông Con cùng với sông Nhuệ là hai dòng sông phục vụ cơ bản việc tưới tiêu cho quê tôi xưa và cũng là hai “con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi”.

Sông Nhuệ thấp so với đồng làng, chạy song song với trục dọc làng Cổ Nhuế (đường 69 xưa) mà dân làng luôn tự hào là đất Ngô Công (hình con rết). Sông Con dài hơn 4km khởi nguồn từ Hồ Tây, qua Xuân La, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế rồi đổ vào sông Nhuệ với van cửa mở nhỏ thường xuyên để điều tiết nước, lúc mưa to mới mở van xả, tháo nước xuống sông Nhuệ qua cái “xa” đón lõng tôm cá của ông Tường (nhiều người chỉ biết đến ông Tường với tài nắn bó chân tay chứ không biết ông thường xuyên “ngự” ở cửa sông Con đêm ngày nghe tiếng nước chảy réo rắt thật nên thơ).

Đoạn sông qua làng Cổ Nhuế dài hơn 1km, chỗ cắt đường 69 được làm một cây cầu gọi là cầu Đá. Sở dĩ gọi là cầu Đá vì xưa đoạn sông ở đây thu hẹp lại, hai bờ nối với nhau bằng cây cầu làm bằng đá xanh đẹp nhưng khá nhỏ chỉ để đi bộ, đi xe đạp, sau này mới mở rộng ra để ô tô đi qua như ngày nay. Sông Nhuệ là con sông cổ, sâu tuổi còn sông Con thì mới có vài trăm năm. Xung quanh sông Con có nhiều chuyện mà gần đây tôi mới ngộ ra, cũng thích. Xin được thưa cùng mọi người làm vui.

 Dòng
Một góc "sông Con" ở vị trí cầu Đá xưa qua làng Cổ Nhuế

Sông Con xưa rộng khoảng 15 mét nhưng khá sâu, bình thường thì nước rất trong, chỉ khi mưa to, người ta tháo sông thì nước mới đục. Từ cầu Đá xuôi xuống phía sông Nhuệ còn ba cây cầu nữa là cầu Lim, cầu Bờ Đập và cầu Mới (nay chỉ còn tồn tại cầu Lim).

Tôi không để ý kỹ đoạn sông từ cầu Đá ngược về Xuân Đỉnh thế nào nhưng còn nhớ đoạn sông bên này cầu Đá mở rộng như một cái hồ nhỏ, nước trong xanh lững lờ trôi. Nay thì “cái hồ” đó đã được lấp, cống hoá để làm thành sân Đình làng khi Đình cổ chuyển về đây nhường đất làm đường Nam Thăng Long (bây giờ là đường Phạm Văn Đồng).

Cầu Lim là cây cầu bê tông, gần trường cấp 2 nơi tôi học. Mùa hè đá bóng xong, chúng tôi thường ra cầu Lim thi nhau nhảy chúc đầu, nhảy ngửa người từ mặt cầu xuống sông vùng vẫy thoả thích.

Từ cầu Đá qua cầu Lim một đoạn là xóm 4 của thôn Hoàng với nhà dân xen những rặng tre soi bóng xuống dòng sông rất đặc trưng của nông thôn xưa, cũng giống như câu thơ “Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu/ Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy…” trong một bài thơ của Giang Nam.

Năm ngoái, bạn học cấp 2 với tôi nay ở Sài Gòn ra rủ tôi đến cầu Lim. Sau nửa thế kỷ gặp lại, bạn về cứ thẫn thờ mãi vì cây cầu sứt sẹo trên con sông đen ngòm, nặng mùi xú uế hôm nay. Cầu bờ Đập ở phía dưới cầu Lim, được tạo thành bởi 3-4 cột điện bê tông nằm so le nhau, người không quen đi qua cứ chờn chợn bởi tin đồn về “con nam nam” do có người chết đuối còn loanh quanh nơi đó. Đây không chỉ là nơi chúng tôi thường xuyên tắm mát mà còn là nơi câu cá, kéo cá kiếm ăn của nhiều người.

Cánh đồng hai bên sông đoạn này chênh với mặt sông không nhiều, khi nước trong đồng cao có thể tháo tự chảy xuống sông còn khi cần lấy nước tưới thì người ta xuống sông vục thẳng thùng lấy nước lên hoặc bắc gàu dai, gàu sòng tát nước trực tiếp vào ruộng. Cầu Mới cách cầu Bờ Đập gần 200m, có lan can hai bên, chỉ rộng hơn thân cái xe cải tiến một chút, một phía đầu cầu có cây găng to che mát căn nhà gạch rộng khoảng 30 mét vuông (cũng gọi là cầu).

 Tôi vẫn nhớ hình ảnh mấy cô, mấy chị mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại ngồi trong cầu dùng nón làm quạt xua đi cái nóng trong những trưa hè oi bức. Đoạn sông ở Cầu Mới đã gần sông Nhuệ nên sâu hơn, khi tháo sông thì cá tôm thường dồn xuống đây nên người kéo vó rất đông. Nhà tôi cũng có một cái vó rộng hơn 2 mét vuông, tôi và ông anh tôi cũng hay kéo cá ở đây.

Việc tháo sông thường diễn ra sau cơn mưa mà có khi đang mưa to đã tháo. Nhiều hôm chúng tôi đội mưa đi kéo cá, người ướt như chuột lụt, khi bốn góc vó được dâng cao với mấy chú rô, diếc chạy ngang chạy dọc tung cả nước trong lòng vó thì người kéo cũng thấy lòng lao xao. Nhiều người không có vó thì mò trai, hến, trùng trục ném vào cái chậu nhôm kéo theo, một lúc là được lưng chậu. Khi sông gần cạn hẳn thì người ta đóng van xả lại, ấy là lúc hàng trăm tay nơm thi nhau chụp bắt những chú cá đen chúi sâu dưới bùn mà người kéo vó chưa tóm được.  

Thuở bé, tôi có nghe kể về sự tích sông Con khá ly kỳ nhưng cũng rất nhiều thắc mắc. Chuyện rằng, xưa làng tôi có người đỗ tiến sỹ, khi vinh quy về bái tổ đã đắp một con đường chéo qua cánh đồng Xuân Đỉnh để đi cho nhanh. Vô hình trung, việc làm “ngông nghênh” này đã ngăn nước của đồng làng Xuân Đỉnh chảy ra sông Nhuệ khiến ruộng đồng úng ngập không trồng trọt được mà chỗ ở cũng khổ. Dân Xuân Đỉnh (vốn là đất trồng cà, bí… nhiều với tích “cà Cáo” từ thời Thánh Gióng) rất ức nên cũng quyết tâm học hành để có cơ hội “trả thù”.

Một thời gian sau, Xuân Đỉnh cũng có người đỗ đạt cao, tương truyền gọi là ông Nghè Cáo. Nghè Cáo có công lớn với Triều đình nên xin với Vua cho đào một con sông cắt ngang Cổ Nhuế để thoát nước từ cánh đồng Xuân Đỉnh ra sông Nhuệ. Không biết vô tình hay hữu ý, Nghè Cáo đã nhằm đúng cổ con Rết (vị trí cầu Đá) để cắt?! Sông đào xong cho nước chảy vào thì nước đỏ như máu cả tháng trời?! Từ đó, long mạch của làng Cổ Nhuế không còn nguyên vẹn, dân Cổ Nhuế có phần lụn bại về nhiều mặt.

Phải đến thời cách mạng mới xuất hiện một nhân vật nổi tiếng là Đại tướng Văn Tiến Dũng. Lúc đó, tôi nghĩ câu chuyện có ý răn con người ta cố gắng học giỏi nhưng không được làm điều thất đức. Tuy vậy cũng có không ít băn khoăn. Cụ đỗ tiến sỹ của Cổ Nhuế là ai? Cụ Nghè Cáo là ai? Tại sao lại đào con sông này? Đào bao giờ? Có đúng là các cụ có ý “chơi nhau” như vậy không? Chả nhẽ các cụ xưa với chữ thánh hiền thâm hậu, trọng nhân nghĩa mà lại có những hành xử như vậy ư?

Gần đây có thời gian tìm hiểu, tôi như được giải toả nhiều điều. Theo cuốn  “Từ Liêm đăng khoa chí” của Bùi Xuân Nghi thì giai đoạn 1448 đến 1779, huyện Từ Liêm có 66 người đỗ Tiến sỹ, trong đó Cổ Nhuế chỉ có mình cụ Hoa Quý Khâm đỗ năm Quý Mùi (1763). Cụ Hoa Quý Khâm sinh 1726, là người đắp con đường từ Bưởi về Cổ Nhuế cắt chéo qua cánh đồng làng Nghĩa Đô và làng Xuân Đỉnh (gọi là đường Dãy Sòi, tôi đã viết kỹ trong một bài riêng) với ý nghĩa nhân văn sâu sắc chứ không phải vì “ngông nghênh” gì. Họ Hoa -Văn Cổ Nhuế có dòng dõi rất hiển hách từ đời Trần mà con cháu sau này luôn tự hào, phát huy trong đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng. Cũng theo “Từ Liêm đăng khoa chí”  thì giai đoạn này Xuân Đỉnh có 3 người đỗ Tiến sỹ trong đó có cụ Nguyễn Công Cơ đỗ năm Đinh Sửu (1697), một cụ đỗ năm 1538, một cụ đỗ năm 1775.

Trong cuốn “Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long” của Đỗ Thỉnh có bài “Nguyễn Công Cơ và từ đường họ Nguyễn”. Tác giả đã ca ngợi cụ Nguyễn Công Cơ, tên thường gọi là Nghè Cáo, sinh năm 1675, mất năm 1733, quê xã Xuân Đỉnh “tuy làm quan to trong triều nhưng ông cũng hay về làng. Ông quan tâm đến đời sống của nhân dân. Thấy dân làng thường khổ về cảnh ngập lụt, hàng năm đến mùa mưa hơn một nghìn mẫu ruộng ở đồng làng bị ngập nước không có chỗ tiêu, ông liền đứng ra thương lượng và cho tiền đền bù thiệt hại cho dân làng Cổ Nhuế để đào con mương qua làng Cổ Nhuế ra sông Nhuệ”.

Lại nữa, tác giả Lê Đông Hà cũng có bài đăng trên báo Quân đội nhân dân ngày 30/10/2016 với tiêu đề : “Quận công Nguyễn Công Cơ - Danh nhân làng Cáo”. Bài báo có đoạn viết : “Đối với quê hương, ông góp phần tôn tạo đình làng, chùa làng; xây dựng hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu cho hàng trăm cánh đồng làng Xuân Tảo và vùng lân cận trở nên trù phú, dân gọi là “ngọc điền”.

Dòng sông gắn với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ ở vùng quê (Ảnh minh họa)
Dòng sông gắn với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ ở vùng quê (Ảnh minh họa)

Như vậy có thể khẳng định cụ Nguyễn Công Cơ chính là người có ý tưởng và tổ chức đào con sông cầu Đá. Tôi chưa tìm hiểu được cụ Nghè Cáo thương lượng với  ai ở Cổ Nhuế nhưng cụ đỗ Tiến sỹ trước khi sinh cụ Hoa Quý Khâm 29 năm và khi cụ mất thì cụ Hoa Quý Khâm mới lên 7 tuổi. Điều đó nói lên rằng sông cầu Đá được đào trước khi đường dãy Sòi được đắp để xử lý cảnh lầy lội của Xuân Đỉnh từ trước khi có đường Dãy Sòi, thời gian đào sông đến nay khoảng trên dưới 300 năm.  

Cả hai cụ đều học hành đỗ đạt cao, đều làm những việc có ích lợi lớn cho dân, cho nước  chứ không có chuyện trả thù gì đó ở đây cả. Thực tế thì sông cầu Đá không chỉ có ích  cho vấn đề thuỷ lợi của Xuân Đỉnh mà còn có ý nghĩa đối với đời sống vật chất của dân Cổ Nhuế nhiều đời. Cụ Chu Văn Phong ở Xóm 5 Cổ Nhuế nay đã 90 tuổi có kể rằng bố vợ Cụ xưa thường đi thuyền nan trên sông Con chở lúa từ đồng về tận cổng nhà ở ven sông rất thuận tiện. Lứa tuổi chúng tôi vẫn được hưởng thụ nhiều ở dòng sông mát lành này với bao kỷ niệm ngọt ngào không thể nào quên.

Đến đây chắc có người sẽ hỏi “tại sao lại có chuyện nặng nề lưu truyền về con sông cầu Đá đến tận hôm nay?”. Tôi không dám chắc lý do nhưng  lúc bé, thỉnh thoảng vẫn thấy thanh niên làng tôi có xích mích, thậm chí “oánh nhau” với thanh niên các làng lân cận, trong đó có thanh niên làng Cáo. Làng tôi là kẻ Noi, Xuân Đỉnh là kẻ Cáo, bên kia sông Nhuệ là kẻ Diễn … Chả biết có từ bao giờ mà thỉnh thoảng cũng thấy người làng tôi nghêu ngao: “Vừa mưa vừa nắng, trâu trắng chết toi, kẻ Noi ăn thịt , kẻ Diễn vác liễn ra xin…”.

Điều này có lẽ cần tiếp tục giải mã vì truyền thuyết nói chung đều có chứa ít nhiều sự thật trong đó, nhưng tôi tin chuyện này cơ b là tàn dư của một số tư tưởng xưa, bây giờ chả còn là vấn đề nữa. Làng tôi xưa không có trường cấp 3, chúng tôi học xong cấp 2 thì sang cấp 3 Xuân Đỉnh (đất kẻ Cáo) hoặc cấp 3 Minh Khai (đất kẻ Diễn) học. Hàng ngày tôi đi qua cánh đồng Cổ Nhuế nối liền cánh đồng Xuân Đỉnh như một làng.

 Có một thời, Cổ Nhuế phát triển nghề may dào dạt đã thu hút nhiều người từ Xuân Đỉnh, Minh Khai sang cùng làm hoặc nhận hàng về may góp phần bảo đảm đời sống. Xưa con sông cầu Đá nối liền Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế, nay vẫn nối liền, là mối quan tâm chung của cả hai làng xưa và hai phường nay.

Khi viết bài này, tôi vào google gõ cụm từ “sông cầu Đá” thì thấy nhảy ra nhông nhốc bao bài viết về con sông này, hầu hết mô tả hình ảnh một con sông chết, rồi ô nhiễm, rồi hôi thối, rồi bệnh tật … của những người sống ven sông và sự thiếu quan tâm của chính quyền. Cũng có thông tin về dự án cống hoá con sông này từ 2010 mà đến nay mới triển khai được chút ít. Phải chăng vì 4 phường dọc con sông này nay thuộc hai quận (Tây Hồ và Bắc Từ Liêm) nên khó nói chuyện?

Con sông trước mắt đang ngắc ngoải, nhức nhối bao bề. Thật thương cho một thuở trong lành với sự hoài thai bởi những trí thức tài danh, có tâm với quê hương, đất nước. Tôi và bao người chỉ biết mong dự án sớm được hoàn thành để giải quyết vấn đề môi trường khi Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế đã đô thị hoá. Còn nếu được “giá như” thì tôi sẽ nói: “Giá như dự án 2010 không phải là dự án cống hoá mà là dự án xử lý nước thải” để sông Cầu Đá hiền hoà “vẫn như thuở ấy”, làm đẹp cho vùng đất cổ phía tây Thăng Long xinh đẹp, giàu bản sắc lịch sử, văn hoá một thời.

Tự nhiên nhớ đến  câu hát “những năm tuổi thơ đã đi về đâu…” như một tiếng thở dài.

Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.

Hơn 160 tác phẩm dự thi Giải thưởng Cánh diều vàng năm 2024 tại TP. Nha Trang
Văn nghệ

Hơn 160 tác phẩm dự thi Giải thưởng Cánh diều vàng năm 2024 tại TP. Nha Trang

Từ ngày 3 - 10.9, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Giải thưởng Cánh diều vàng 2024 tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, lễ công bố và trao giải Cánh diều vàng sẽ diễn ra vào tối 10.9, tại quảng trường Nhà hát Đỏ (thuộc dự án Vega City Nha Trang), giải thưởng thu hút hơn 160 tác phẩm điện ảnh, truyền hình, tài liệu, khoa học, hoạt hình, phim ngắn, công trình nghiên cứu - lý luận phê bình.

Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời: Ngân vang khúc tự hào Việt Nam tại Điều còn mãi 2024
Văn nghệ

Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời: Ngân vang khúc tự hào Việt Nam tại Điều còn mãi 2024

Chiều ngày 2.9, lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời vinh dự góp mặt trong chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2024” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Olivier Ochanine, Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời đã ngân lên những giai điệu hào hùng, sâu lắng, góp phần làm sống lại những ký ức lịch sử hào hùng, khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào và khát vọng dân tộc Việt Nam.

Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới góp mặt trong chương trình Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám “Brilliance in Harmony”
Văn nghệ

Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới góp mặt trong chương trình Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám “Brilliance in Harmony”

Tháng Tám với nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước đã trở thành dịp đặc biệt thường niên truyền động lực và cảm hứng để Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời (SSO) phối hợp với Nhà hát Hồ Gươm tổ chức các sự kiện hòa nhạc giao hưởng quốc tế. Năm nay, chương trình Hòa nhạc giao hưởng Tháng Tám với chủ đề “Brilliance in Harmony: A Night of Musical Mastery” sẽ diễn ra vào tối 16.8.2024 với sự góp mặt của nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và Việt Nam.

Nhiều người bật khóc khi nghe Anh Thơ hát “Một đời là sen ngát” về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Văn nghệ

Nhiều người bật khóc khi nghe Anh Thơ hát “Một đời là sen ngát” về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Những ngày qua, trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều nhạc sĩ chuyên và không chuyên đã viết nhiều bài hát để bày tỏ tình cảm của mình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều bài hát đã mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người nghe.

Sôi động lễ hội vũ đạo ngoài trời tại Quảng trường Lâm viên – Đà Lạt
Văn nghệ

Sôi động lễ hội vũ đạo ngoài trời tại Quảng trường Lâm viên – Đà Lạt

Với chủ đề “Be You, Be Unique - khẳng định chất tôi”, sân khấu DaLat Best Dance Crew Hoa Sen Home Internatinonal Cup một lần nữa quay trở lại với 12 màn trình diễn đa sắc màu tại đêm chung kết đầy hấp dẫn, lôi cuốn từ các đội thi trong nước và quốc tế thu hút hàng nghìn khán giả đến với Quảng trường Lâm viên, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng như trên sóng các nền tảng truyền hình trực tiếp. 

ABBANK đồng hành cùng dàn nhạc giao hưởng trẻ thế giới lưu diễn tại Việt Nam
Văn nghệ

ABBANK đồng hành cùng dàn nhạc giao hưởng trẻ thế giới lưu diễn tại Việt Nam

Với mong muốn chung tay đưa âm nhạc hàn lâm – tinh hoa lịch sử âm nhạc của nhân loại và dân tộc tới gần hơn nữa với công chúng trong nước, cũng như chắp cánh cho những tài năng giao hưởng Việt vươn ra thế giới, ABBANK đồng hành cùng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức dự án “Âm thanh của tình anh em” (Sounds of Brotherhood) với hai đêm công diễn tại Hà Nội vào tối ngày 06 & 10.4.2024. Chương trình quy tụ sự góp mặt của 41 nghệ sỹ đến từ 20 quốc gia của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Thế giới (World Youth Orchestra – WYO) và 33 tài năng trẻ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Dàn nhạc giao hưởng Trẻ HVANQGVN – VNAMYO)

Lan tỏa tinh thần dám mơ ước của giới trẻ với MV “Mơ là phải mở”
Văn nghệ

Lan tỏa tinh thần dám mơ ước của giới trẻ với MV “Mơ là phải mở”

Từ mong ước tiếp lửa cho hành trình mở triệu ước mơ của ngân hàng NCB và sự tươi trẻ, tràn đầy năng lượng tích cực của Miu Lê, Yuno và nhạc DTAP, ca khúc “Mơ là phải Mở” đang “dậy sóng” trên mạng xã hội, góp phần lan tỏa tinh thần dám mơ ước, lập kế hoạch để theo đuổi ước mơ của giới trẻ.