“Đồng phục” trụ sở xã, phường?

Lê Hùng 26/09/2018 07:17

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong phương án được lấy ý kiến, đơn vị tư vấn đề nghị các trụ sở cần thống nhất hình ảnh nhận diện; hình khối ngôn ngữ kiến trúc; bố cục; vật liệu xây dựng và màu sắc.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, diện tích đất phù hợp để xây dựng trụ sở chính quyền cấp xã theo các khu vực. Đó là, đô thị trung tâm tối thiểu 300m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 6. Khu vực đô thị trung tâm mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn mật độ dân cư cao, ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 880m2 - 3.900m2, mật độ xây dựng 40%, tầng cao tối đa là 5. Còn đối với khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp, diện tích đất phù hợp khoảng 1.530m2 đến 4.100m2, mật độ xây dựng 25 - 30%, cao không quá 3 tầng. Theo dự kiến, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu là 483 trụ sở. Trong đó, có 75 trụ sở cần xây mới, 136 công trình phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 công trình đã được xây dựng, chỉ cần cải tạo, sửa chữa.

Đề xuất “đồng phục” trụ sở chính quyền xã, phường của Hà Nội khiến chúng ta nhớ lại trước đây vài năm, chính quyền TP Hà Nội cũng từng có chủ trương “đồng phục” biển hiệu tại tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân. Việc thực hiện chủ trương này cũng có nhiều quan điểm trái chiều. Điều đáng chú ý là, những hộ kinh doanh trên tuyến phố này không ủng hộ vì cho rằng, sự “đồng phục” biển hiệu không thể hiện đặc trưng cho việc kinh doanh riêng của mỗi cửa hàng, không thuận tiện cho khách hàng. Sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều biển hiệu trên tuyến phố này đã dần thay đổi theo ý muốn của chủ hộ kinh doanh.

Cán bộ nào cũng thích được làm việc ở trụ sở đàng hoàng, đầy đủ tiện nghi. Người dân cũng mong muốn được làm thủ tục ở một trụ sở công quyền rộng rãi. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm hơn là chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính có nhanh gọn hay không, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức có chuẩn mực, niềm nở, tận tình hay không. Người dân có thể chấp nhận vào những trụ sở cũ nhưng được đón tiếp với tinh thần phục vụ. Người dân không thể chấp nhận đến trụ sở công quyền được đầu tư hiện đại, nhưng cán bộ lại ngủ trong giờ làm việc. Người dân cũng không thể chấp nhận tình trạng cán bộ ngồi điều hòa mát lạnh, nhưng hành dân chạy “bở hơi tai” khi không có “phí bôi trơn”.

Đồng phục để mang lại vẻ đẹp cho một tuyến phố, một trụ sở nào đó để tạo nên vẻ đẹp tổng thể của thành phố là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, ý tưởng, đề xuất ấy chỉ trở thành hiện thực và có ý nghĩa khi nhận được sự đồng thuận của người dân và chính quyền. Với đề xuất này, người dân đã được lấy ý kiến chưa? Việc đóng góp ý kiến của người dân sẽ được thực hiện như thế nào? Chi phí xây dựng những trụ sở này có một phần từ tiền thuế của người dân, do đó, người dân không thể đứng ngoài cuộc trước những ý tưởng mới mẻ này.

Khi ngân sách càng ngày càng co lại, thì mọi khoản chi càng phải siết chặt hơn. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, thay vì phải chạy đi, chạy lại, người dân có thể ngồi ở nhà để thực hiện các thủ tục hành chính thông qua các thiết bị công nghệ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm thiểu tiêu cực phát sinh.

Trong bối cảnh đó, việc đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở xã, phường cần phải hết sức cân nhắc, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm nhu cầu phát triển khang trang, hiện đại, đồng bộ với hạ tầng của Thủ đô, tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch.

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Đồng phục” trụ sở xã, phường?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO