Đông người "nhặt" sẽ bớt "sạn"!

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 05:26 - Chia sẻ
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 môn Tiếng Việt và nhóm tác giả của bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã thống nhất sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp hơn. Như vậy, những bức xúc của dư luận phần nào đã được giải tỏa. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ để không lặp lại những "tình huống" tương tự trong tương lai.

Nếu theo Khoản 3, Điều 32, Luật Giáo dục thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng cũng là người phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định. Tại cuộc họp chiều ngày 12.10 về việc xử lý các ý kiến đối với sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận chịu trách nhiệm về sách giáo khoa và chương trình. Tuy nhiên, Bộ trưởng không phải là người có chuyên môn sâu về sách giáo khoa, theo quy định thì Hội đồng thẩm định sẽ giúp Bộ trưởng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo nghiêm túc theo đúng quy định và đang thực hiện theo đúng quy trình này.

Cũng theo Điều 32, Luật Giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Tuy nhiên, trả lời báo chí, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Mai Ngọc Chừ khẳng định, chủ biên và nhóm tác giả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung sách trước những vấn đề đang bị dư luận chỉ ra. Theo ông Chừ, Hội đồng thẩm định đã thấy được các vấn đề như dư luận đề cập và đã có khuyến cáo với nhóm tác giả nên thay ngữ liệu. Tuy nhiên, các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình và điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định. Ông Chừ cũng nhấn mạnh, khi thẩm định có ba cấp độ là chưa phù hợp, phù hợp trung bình và phù hợp cao. Nguyên tắc là tất cả những điểm sai, chưa phù hợp phải sửa và đã được sửa. Tuy nhiên, với những nội dung phù hợp ở mức trung bình nhưng không sai thì hai bên sẽ trao đổi và nếu người làm sách vẫn giữ quan điểm thì hội đồng tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả.

Như vậy dù đến nay, những vấn đề khiến dư luận bức xúc sẽ được chỉnh sửa, nhưng điều quan trọng hơn là phải làm rõ trách nhiệm. Bởi cho dù những người biên soạn sách khẳng định đã làm rất kỹ nhưng kỹ không có nghĩa là không có "sạn". Và thực tế là vẫn còn "sạn". Dù Hội đồng thẩm định cũng như nhóm tác giả có tinh thần cầu thị nhưng không thể chỉ sửa là xong mà phải làm rõ trách nhiệm vì sao trong sách giáo khoa vẫn có "sạn" dù quy trình khá chặt chẽ?

Cần nhắc lại rằng, tại buổi tiếp xúc cử tri là hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng, TP Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu những vấn đề cử tri nêu. Bộ sẽ công bố chính thức vấn đề này để rút kinh nghiệm, nếu vi phạm sẽ xử lý... Sách tham khảo, sách giáo khoa phải phù hợp với văn hóa, trẻ em Việt Nam - Thủ tướng nhấn mạnh.

Còn trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, Bộ phải giải thích thuyết phục. Đồng thời Bộ cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung tất cả quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên trong những năm tới; nên áp dụng công nghệ thông tin để thay đổi cách làm với bản thảo sách. Cụ thể, sách khi được nộp cho Hội đồng thẩm định quốc gia cũng cần công khai nội dung trên mạng để lấy ý kiến góp ý của giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, phụ huynh. Như gợi ý của Phó Thủ tướng là đông người "nhặt" thì chắc chắn "sạn" sẽ bớt đi.

Khánh Ninh