Dòng năng lượng mới cho vùng Vịnh
Ngày 26.6, người dân Qatar đã chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử khi Quốc vương Sheik Hamad bin Khalifa al-Thani, 61 tuổi, nhường ngôi cho con trai thứ ba là Thái tử Sheik Tamim bin Hamad al-Thani, 33 tuổi, đánh dấu chấm hết những đồn đoán nhiều tháng qua ở quốc gia nhỏ bé và giàu có này.
Động thái trên nhằm dọn đường cho một cuộc cải tổ Nội các Hoàng gia Qatar sâu rộng hơn sẽ diễn ra trong thời gian tới, nhằm đưa thế hệ lãnh đạo mới, trẻ tuổi hơn lên cầm quyền tại nước này. Trong bài diễn văn dài 6 phút được phát sóng trên truyền hình Nhà nước, Quốc vương Sheik Emir Hamad bin Khalifa Al-Thani nhấn mạnh, ông cảm thấy đã đến lúc phải nhường lại quyền lực cho thế hệ tiếp theo và khẳng định, thế hệ lãnh đạo mới của Qatar sẽ tiếp tục tiến lên phía trước, đảm nhận trọng trách với sự năng động và những suy nghĩ sáng tạo hơn.
Sinh năm 1980, Sheik Tamim sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất trong khu vực (Tổng thống Bashar Assad của Syria, 47 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ thứ nhì ở khu vực này). Diễn biến tiếp theo được dự đoán là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Sheik Hamad bin Jassim al-Thani, 53 tuổi, cũng sẽ từ chức để nhường lại vị trí cho người kế nhiệm trẻ hơn, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào về kế hoạch thay ghế Thủ tướng hay ai là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí này.
Hoàng tộc al-Thani đã trị vì Qatar, đồng minh quan trọng của Mỹ và là nơi Mỹ đặt một căn cứ quân sự lớn, trong gần 150 năm qua. Quốc vương vừa thoái vị Sheik Hamad bắt đầu nắm quyền từ năm 1995, sau khi lật đổ chính người cha của mình. Ông được ca ngợi rộng rãi là nhà cầm quyền có tài và tiến bộ khi đã giúp chuyển đổi Qatar từ một quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé trở thành bán đảo của kinh tế - chính trị và ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Xét ở nhiều khía cạnh, tân Quốc vương Sheik Tamim, người đã vượt qua ba anh trai để trở thành Thái tử từ năm 2003, đại diện cho một sự kế tục hoàn hảo. Tốt nghiệp học viện quân sự Sandhurst ở Anh, Sheik Tamim đã giữ vị trí chủ chốt trong hoạt động lập pháp và ngoại giao của Qatar. Trong gần một thập kỷ qua, ông đã luôn đồng hành bên cạnh cha mình, tham gia các vấn đề khu vực cùng các nhà lãnh đạo thế giới, đại diện cho Qatar tại các sự kiện quốc tế và chủ trì dự án Tầm nhìn của Qatar năm 2030, trong đó vạch ra các mục tiêu phát triển trong nước.
Sheik Tamim tiếp quản từ người cha vương quốc vùng Vịnh mà dưới sự cai trị của ông đã phát triển thành một cường quốc có vốn đầu tư nhiều tỷ USD trên toàn thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của nước này đạt 173 tỷ USD trong năm 2011, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2012 ở mức 128.800 USD. Bán đảo vùng Vịnh nhỏ bé này còn nắm giữ trữ lượng khí đốt lớn thứ ba trên thế giới với sản lượng đạt khoảng 77 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng mỗi năm và là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới. Quốc gia vùng Vịnh này còn xây dựng một đế chế truyền thông thông qua Al-Jazeera, kênh truyền hình vệ tinh của bán đảo Ảrập đầu tiên có chương trình phát sóng bằng tiếng Anh. Qatar đang chuẩn bị ra mắt của Al Jazeera Mỹ.
Cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra vào thời điểm quan trọng của Qatar. Trong nhiều năm qua, quốc gia vùng Vịnh này đã đánh canh bạc lớn nhằm khẳng định ảnh hưởng trong khu vực, điển hình là việc dẫn đầu các nỗ lực nhằm thay đổi chế độ ở Libya, ủng hộ các nhóm nổi dậy ở Syria chiến đấu chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Qatar còn là nước trung gian đứng ra tổ chức cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ, Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taleban. Tuy nhiên, nỗ lực của Doha nhằm thế chân làm trung gian hòa giải trong khu vực của Ảrập Xêút, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ bằng sự kết hợp của sự hỗ trợ tài chính hào phóng và chính sách đối ngoại hiếu chiến đã phần nào phản tác dụng. Libya, Tunisia và Ai Cập từng hoan nghênh sự giúp đỡ tài chính hào phóng của Qatar trong bối cảnh diễn ra các cuộc cách mạng ở những nước này, nay bắt đầu tỏ ra ngờ vực về những gì mà họ đã chứng kiến khi Qatar đang hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan. Những quốc gia lâu đời hơn và có vị thế được khẳng định tại vùng Vịnh thì xem Qatar như một người chơi mới nổi gây nhiều rắc rối bởi nước này có khuynh hướng ngả về phía Tổ chức anh em Hồi giáo.
Trong bối cảnh ấy, việc Thái tử Sheik Tamim lên tiếp quản ngai vàng có thể là động thái cần thiết nhằm giúp Qatar rũ bỏ hình ảnh đang bị xấu đi. Là nhà lãnh đạo trẻ nhất trong thế giới Hồi giáo, nơi có tới 60% dân số ở độ tuổi dưới 25, Sheik Tanim được xem là nguồn năng lượng mới đối với không chỉ Qatar mà cả khu vực, nơi các chính quyền lâu năm có “truyền thống” xa cách với những đòi hỏi của tầng lớp trẻ ngày nay.
Không giống với hình ảnh của các ông hoàng Ảrập nổi tiếng ăn chơi, Thái tử Qatar có một cuộc sống khá lặng lẽ. Sau thời gian du học ở Anh, Sheik Tanim nhanh chóng trở về quê nhà để gánh vác trọng trách lớn khá sớm so với độ tuổi của mình. Là con trai của Sheika Mozah bint Nasser al-Missned và người vợ thứ hai của Quốc vương và là người đứng đầu Quỹ Qatar vì sự phát triển giáo dục, khoa học và cộng đồng, Sheik Tanim nhiều khả năng sẽ ưu tiên tiếp tục sự nghiệp phát triển vì sự tiến bộ xã hội do mẹ ông khởi xướng, với trọng tâm là đầu tư cho con người, cũng như nhiệm vụ cải thiện hình ảnh của Qatar trong mắt phần còn lại của thế giới.
Là quốc gia cổ vũ mạnh mẽ cho các cuộc cách mạng trong thế giới Ảrập, nhưng Qatar lại đứng ở vị trí bấp bênh như một chế độ chuyên chế đi đầu trong cải cách dân chủ ở một khu vực đang phát triển nhanh chóng. Cho đến nay, quốc gia vùng Vịnh này vẫn chưa tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện, vốn được Quốc vương thoái vị Sheik Hamad hứa hẹn sẽ diễn ra vào cuối năm 2013. Nhiệm vụ trước mắt của tân Quốc vương Qatar là tổ chức các cuộc bầu cử như đã lên kế hoạch. Và nếu Sheik Tamim có thể củng cố triều đại mới của mình với các cuộc bầu cử thực chất và mang tính đại diện cao, thì nhà lãnh đạo trẻ tuổi này sẽ thực sự truyền dòng năng lượng mới vào đời sống chính trị ở Qatar.