Biến đổi khí hậu nguy cơ phá vỡ đa dạng sinh học

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:53 - Chia sẻ
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân cũng như học sinh THPT về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học nhằm thay đổi thói quen, nhận thức về tiêu thụ bền vững đối với tài nguyên sinh vật; xem nhận thức của cộng đồng là nền tảng của những thay đổi lớn trong quá trình bảo vệ sự đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Nhiều hoạt động đa dạng

Đồng Nai là một trong các địa phương còn giữ được tính đa dạng sinh học và chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao tại khu vực Đông Nam bộ, với 9 khu vực mang tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, đáng kể là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, sông Đồng Nai, hồ Trị An. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng tồn tại nhiều hệ sinh thái khác nhau và đóng vai trò hết sức quan trọng như hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn cửa sông, hệ sinh thái thủy vực...

Tuy nhiên, cùng với tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động vật, thực vật của Đồng Nai cũng như cả nước đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Dù những năm qua công tác bảo tồn thiên nhiên được thực hiện tốt nhưng tình trạng săn bắt thú rừng trái phép vẫn liên tục diễn ra. Đây là một mối nguy hại cho đa dạng sinh học, nhất là nguy cơ tuyệt chủng những loài thú quý hiếm. Bên cạnh đó, sự tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng, môi trường sống bị thu hẹp… cũng là những mối nguy đối với môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học, từ năm 2000 tỉnh Đồng Nai đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2001 - 2010, Kế hoạch hành động về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Đồng Nai cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học cho đối tượng là các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, cộng đồng dân cư, học sinh THPT sinh sống xung quanh các khu vực mang giá trị đa dạng sinh học cao của tỉnh.

Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tập huấn cho hơn 1.500 người dân sinh sống xung quanh khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và các rừng phòng hộ; tổ chức 21 chuyến tham quan thực tế cho 960 học sinh và 7 cuộc thi Tìm hiểu về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học với sự tham gia của 21 trường THPT; tổ chức 2 Hội nghị tập huấn cho 90 cán bộ chuyên trách quản lý về đa dạng sinh học.

Đồng thời, xây dựng các ấn phẩm truyền thông, chuyên ngành về đa dạng sinh học và an toàn sinh học như Sổ tay dành cho đối tượng cộng đồng dân cư, Sổ tay dành cho cán bộ chuyên trách về đa dạng sinh học, Sổ tay dành cho cán bộ không chuyên trách về đa dạng sinh học, tờ rơi, banner sử dụng cho từng đối tượng truyền thông trong tỉnh.

Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học

Nguồn: ITN 

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Phước, nhờ việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học trong thời gian qua đã góp phần tích cực cùng với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động này, người dân cũng hiểu rõ hơn về các khu vực mang tính đa dạng sinh học, nắm vững các giá trị đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh cùng các biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn và đa dạng sinh học.

Để góp phần nâng cao hơn nữa trong nhận thức về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học nhằm chấp hành và thực hiện tốt các quy định tại Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Đặng Minh Đức nêu rõ, công tác truyền thông về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học đến năm 2030 của Đồng Nai là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân cũng như học sinh trên 5 huyện/thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm thay đổi thói quen, nhận thức về tiêu thụ bền vững đối với tài nguyên sinh vật; xem nhận thức của cộng đồng là nền tảng của những thay đổi lớn trong quá trình bảo vệ sự đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho hay, hoạt động tuyên truyền sẽ được tổ chức theo hướng phù hợp với các quy định hiện hành về phòng, chống dịch theo hướng thực hiện “mục tiêu kép” gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với sự đa dạng, phong phú trong các hoạt động truyền thông sẽ góp phần tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; qua đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học bền vững trên địa bàn tỉnh.

BOX: Đồng Nai là một trong những tỉnh có hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học mạnh nhất trong cả nước. Các hoạt động khai thác tài nguyên đa dạng sinh học không tách rời với nhiệm vụ bảo tồn. Trong quá trình thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, Đồng Nai luôn dựa trên sự đồng thuận từ cộng đồng và cần có sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, quá trình lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, Đồng Nai luôn quy hoạch bảo đảm phù hợp với tình hình và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhật Phương