Đây là nhận định của Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên về hoạt động của HĐND trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động giám sát
Báo cáo việc triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND của HĐND tỉnh Đồng Nai tại hội nghị tổng kết thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới đây cho thấy: thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, 7 năm qua, HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai đã bám sát quy định của Luật, cụ thể hóa bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch của nhiệm kỳ, hàng năm và xác định thành phương hướng, nhiệm vụ hàng quý, hàng tháng để triển khai thực hiện. Nhờ đó, hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh được bảo đảm, có nhiều chuyển biến tích cực.
Về công tác xây dựng, quyết định chương trình giám sát hằng năm của HĐND, tại các kỳ họp thường lệ giữa năm, HĐND các cấp ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát cho năm liền kề. Đây là văn bản cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Trước khi trình ra kỳ họp, dự thảo Nghị quyết được gửi đến đại biểu HĐND để xin ý kiến đóng góp và tiếp thu, hoàn thiện một bước trước khi trình ra kỳ họp.
Việc xem xét được tiến hành giám sát thông qua hình thức: Các Ban HĐND nghiên cứu báo cáo, kết hợp với kết quả giám sát thường xuyên để có nhận định, đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Ban; đại biểu HĐND nghiên cứu báo cáo để có ý kiến thảo luận, chất vấn đối với vấn đề mà mình quan tâm. Các nội dung đặt ra trong quá trình thẩm tra, thảo luận, chất vấn đều được UBND giải trình, tiếp thu.
Đáng chú ý, hoạt động xem xét việc trả lời chất vấn được HĐND 3 cấp triển khai, thực hiện tại các kỳ họp thường lệ. Đáng kể, từ khi Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 được ban hành với những quy định mới và cụ thể, đã giúp cho hoạt giám sát tại kỳ họp, cụ thể là hoạt động động chất vấn sôi nổi, chất lượng, hiệu quả hơn.
Nội dung chất vấn liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND. Trong đó, những nội dung được quan tâm chất vấn nhiều như: Đầu tư công; nhà ở xã hội; môi trường, quản lý khai thác khoáng sản; bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng nông thôn mới; việc làm và an sinh xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; cải cách hành chính; giải quyết các loại án; công tác Thi hành án dân sự.... Qua kết quả giám sát việc thực hiện các nội dung đã được chất vấn, các đại biểu HĐND tiếp tục tái chất vấn đối với các nội dung chưa được UBND và các cơ quan triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay sau 7 năm thi hành Luật, đã có 109 nội dung được chất vấn, trả lời chất vấn và ban hành Nghị quyết, tạo cơ sở để giám sát kết quả triển khai thực hiện.
Đặc biệt, giám sát chuyên đề vừa chú trọng về số lượng, vừa đều khắp trên các lĩnh vực, có tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, được xã hội quan tâm. Qua đó, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cũng như mong muốn của cử tri, Nhân dân và được cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc phối hợp, chấp hành.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
Mặc dù đạt nhiều kết quả, song để bảo đảm hoạt động giám sát trong thời gian tới có hiệu quả, các đại biểu đề nghị: Nên có quy định rõ hơn về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND; cần quy định cụ thể thời gian thực hiện các kết luật sau giám sát; có chế tài cụ thể quy định nếu chậm chỉ đạo xử lý khắc phục bất cập tồn tại được hoạt động giám sát chỉ ra.
Đánh giá cao kết quả thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND của HĐND 3 cấp trên địa bàn tỉnh, Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên cho rằng: Chất lượng hoạt động giám sát của HĐND 3 cấp trên địa bàn Đồng Nai ngày càng nâng cao, đã thể hiện được vị thế hoạt động giám sát của cơ quan dân cử tại địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng: cần phát huy vai trò của đại biểu HĐND trong phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND để đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của Nhân dân. Đại biểu dân cử nên phát huy trách nhiệm hơn nữa, lắng nghe, tổng hợp các kiến nghị của cử tri trong thực hiện chất vấn về những nội dung cử tri bức xúc, gửi gắm. Nên tăng thêm số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để tăng cường chất lượng hoạt động giám sát.
Mặt khác, nên có quy định rõ hơn về đối tượng chịu giám sát, về thành viên đoàn giám sát nhằm bảo đảm hiệu quả cao khi thực hiện giám sát; tăng cường sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông, thường xuyên đưa tin, viết bài trong các phiên giám sát và chất vấn để nâng cao hiệu quả chất lượng giám sát….
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh - ông Thái Bảo, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, Thường trực HĐND các cấp cần tiếp tục phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động giám sát của các cơ quan, của đại biểu HĐND cấp mình; Tăng cường hơn nữa tính chủ động trong phát hiện vấn đề, lựa chọn vấn đề cần giám sát và xác định rõ chủ thể giám sát đối với những vấn đề cụ thể; mỗi cuộc giám sát cần phải được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, khoa học để đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, theo hướng “sâu sát, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, khoa học, hiệu quả, vì dân, sát cơ sở". Đặc biệt, "tăng cường hoạt động giám sát nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát"- Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý.
Đối với giám sát chuyên đề, HĐND các cấp cần tăng cường và chú trọng hơn nữa giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; thường xuyên rà soát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp của HĐND các cấp để đề nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, nhất là các kiến nghị nhiều lần, kéo dài.