Đồng Nai: Doanh nghiệp thích ứng an toàn với dịch bệnh

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 14:36 - Chia sẻ
Thực hiện Kế hoạch số 11102/KH-UBND của UBND tỉnh, từ ngày 20.9, Đồng Nai từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương trong tình hình mới. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Khôi phục sản xuất kinh doanh

Đồng Nai đặt mục tiêu thúc đẩy các phương án phục hồi kinh tế trong bối cảnh phải dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tình hình mới đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao tính chủ động trong phòng, chống dịch để khôi phục sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các tiêu chí về “vùng đỏ”, cam, vàng, xanh và các nguyên tắc về lộ trình mở dần từng bước để đạt tới trạng thái “bình thường mới” cho các vùng, với điều kiện bảo đảm tuyệt đối an toàn về dịch bệnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tỉnh đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh, mở rộng “vùng xanh”, nới lỏng các quy định để doanh nghiệp phục hồi sản xuất hiệu quả. Đồng thời, tỉnh cũng tìm cách tháo gỡ, tiếp thu các giải pháp phù hợp để đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước mở cửa lại kinh tế.

Theo thống kê, hiện Đồng Nai có hơn 1,2 nghìn doanh nghiệp được phê duyệt phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Trong đó, có hơn 1,1 nghìn doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và hơn 100 doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp. Tại các khu công nghiệp có 1.254/1.715 doanh nghiệp đã được phân bổ vaccine phòng Covid-19 với gần 226,3 nghìn người được tiêm, đạt tỷ lệ gần 36%.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai nhận xét, Đồng Nai đang từng bước mở cửa để phục hồi kinh tế nhằm đạt được trạng thái “bình thường mới”, giải pháp “sống chung với Covid-19 được xem là phương án tối ưu trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, dù đã có động thái “mở cửa” cho việc tái phục hồi sản xuất, nhưng vẫn còn những ràng buộc nghiêm ngặt trong việc đưa lao động trở lại nhà máy nên có nhiều doanh nghiệp chưa thể khôi phục hoạt động như bình thường vì thiếu lao động. Hy vọng thời gian tới sẽ kiểm soát được dịch bệnh, nới thêm các điều kiện phòng dịch để doanh nghiệp có thể khôi phục 100% công suất.

Để chuẩn bị cho việc khôi phục sản xuất trong thời gian tới, các doanh nghiệp đã sẵn sàng các phương án cụ thể. Đơn cử, Công ty CP Kết cấu thép GSB đã nhập về lượng lớn que test để lấy mẫu định kỳ cho công nhân. Các lái xe chuyên chở hàng hóa ra vào nhà máy cũng phải bắt buộc được test sàng lọc trước khi vào nhận hàng.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 1,2 triệu người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng lao động làm việc trong các khu công nghiệp khoảng 630 nghìn người và người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp khoảng 570 nghìn người. Trong đó, tại khu công nghiệp hiện có hơn 134 nghìn người lao động đang làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, còn hơn 490 nghìn lao động đang tạm nghỉ chờ việc tại các địa phương trong tỉnh hoặc đã trở về các tỉnh, thành phố khác.

Vẫn tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” vì tình hình dịch bệnh phức tạp, đại diện Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (huyện Trảng Bom) kiến nghị cần có giải pháp để áp dụng riêng cho doanh nghiệp “3 tại chỗ”, trước hết là vấn đề chăm sóc cho người lao động, kể cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, tạo điều kiện cho một số công nhân có hoàn cảnh và lý do chính đáng được về với gia đình.

ng hộ Đồng Nai thực hiện theo hướng “sống chung” và thích ứng an toàn với dịch bệnh, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, tỉnh nên thường xuyên đánh giá, đôn đốc kế hoạch mở cửa trở lại để doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường. Tiêm chủng là cách duy nhất giúp doanh nghiệp sớm khôi phục 100% công suất và tỉnh nên cho phép người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 di chuyển và làm việc bình thường.

Để thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp đều thống nhất cho rằng cần ưu tiên tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho người lao động đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” và lao động đang nghỉ chờ việc. Ngoài ra, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, mở rộng “vùng xanh” để người lao động có thể đi, về và không phải ở lại công ty. Bên cạnh đó, sớm có phương án hỗ trợ doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành khác đón lao động trở lại Đồng Nai làm việc sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh.

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đề xuất tỉnh nên số hóa trong quản lý để giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Kiến nghị Chính phủ triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: gia hạn, miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay, giảm tiền điện, nước.

Nhật Phương