Đồng Nai: Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và bảo đảm an sinh xã hội

- Thứ Sáu, 27/08/2021, 11:48 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 26.8, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã đề nghị, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, bổ sung lực lượng nhập liệu không để tình trạng này kéo dài.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, đến nay, Đồng Nai đã gần hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 đợt 6, đang tiếp nhận kế hoạch phân bổ vaccine đợt 7. Trong đợt 7, tỉnh dự kiến được phân bổ số lượng lớn vaccine, khoảng 500 nghìn liều. Vì vậy, ngành y tế đề nghị các địa phương lên kế hoạch tuyên truyền người dân chuẩn bị tiêm vaccine vào đầu tháng 9.

Thông tin về công tác xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện tỉnh đang tiếp tục dốc tổng lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Do đó, ngành y tế yêu cầu các địa phương sau khi lấy mẫu cần gửi về các đơn vị để xét nghiệm bằng PCR sớm nhất, bóc tách nhanh F0. Nhiều địa phương đang chậm trễ trong công tác xét nghiệm và nhập liệu. Có những đơn vị gửi mẫu xét nghiệm về nhưng lại chưa gửi danh sách dẫn đến công tác xét nghiệm gặp nhiều khó khăn, thời gian trả kết quả bị chậm.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phó viện trưởng Viện Sức khỏe và môi trường, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai Nguyễn Đức Sơn cho hay, vấn đề quan tâm hiện nay chất lượng lấy mẫu xét nghiệm. Tổ công tác của Bộ Y tế cũng đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh đi khảo sát, kiểm tra một số điểm lấy mẫu xét nghiệm thì nhiều nơi vẫn đang trong trạng thái thụ động. Đơn cử, các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm hiện nay vẫn chép tay danh sách người dân đến lấy mẫu, tất cả điểm lấy mẫu không có sự chuẩn bị về danh sách trước.

Theo ông Sơn, bên cạnh khâu tổ chức lấy mẫu chưa tốt, khâu chuyển mẫu về để xét nghiệm còn chậm. Có những đơn vị lấy mẫu ngày hôm nay, hôm sau mới chuyển để làm xét nghiệm dẫn đến chất lượng giảm. Trong khi đó, chiến dịch chống dịch Covid-19 phải thần tốc, nếu chậm chuyển mẫu không thể đánh giá được phương án tiếp theo để xử lý. Đề nghị, Sở Y tế sát sao hàng ngày và xây dựng các đội kiểm tra việc lấy mẫu ở cơ sở thường xuyên; ngoài ra cần có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra các điểm lấy mẫu và danh sách lấy mẫu cụ thể, bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác lấy mẫu xét nghiệm.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, bổ sung lực lượng nhập liệu không để tình trạng này kéo dài. Cần nhanh chóng thành lập tổ công tác nhập liệu cho ổn định để thực hiện điều hành đơn vị nhập liệu.

Ngoài ra, các địa phương cần lập danh sách người dân đến lấy mẫu xét nghiệm trước để nâng chất lượng xét nghiệm. Đối với công tác chuyển mẫu chậm, ngành y tế cần sát sao, khắc phục, chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển mẫu ngay trong ngày, không để chậm trễ. Về trang bị tủ thuốc cần thiết, Sở Y tế tăng cường kiểm tra cơ sở cách ly F0, F1, yêu cầu Trung tâm y tế các huyện, thành phố trang bị tủ thuốc, bảo đảm tối thiểu sức khoẻ cho nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng đề nghị 4 địa phương: Biên Hoà, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Mỗi địa phương cần có phương án chăm sóc cho các trẻ nhỏ, người già khi trong gia đình có bố, mẹ, người thân bị nhiễm bệnh.

Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, các địa phương còn chậm chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân kịp thời. Đồng thời nhấn mạnh, ngoài các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách trên, cần rà soát danh sách, bổ sung, hỗ trợ thêm những đối tượng đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Đối với việc trực đường dây nóng để hỗ trợ người dân khó khăn cần cử cán bộ chuyên môn thì mới giải đáp được thắc mắc, tiếp nhận đủ thông tin người dân mong muốn. Sau khi tiếp nhận xong thông tin, cán bộ phải truyền tải ngay đến cho các phường, xã, thị trấn để lên phương án hỗ trợ kịp thời. Các Sở, ngành, địa phương cần tăng thêm đường dây nóng để làm sao tiếp nhận đầy đủ thông tin của người dân, hỗ trợ lương thực kịp thời, nhằm thực hiện an sinh xã hội một cách chu đáo.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, để đẩy mạnh hỗ trợ người dân khó khăn, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương vận động công chức, viên chức toàn tỉnh, mỗi người ủng hộ cho người nghèo trong tỉnh một tháng là 1 ngày lương (trong 3 tháng). Dự kiến, nếu như thực hiện đầy đủ việc đóng góp này thì một ngày lương của công chức, viên chức toàn tỉnh là 20 tỷ đồng, trong 3 ngày sẽ có 60 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo.

Vân Phi